Chữa bệnh đúng tuyến phòng lây nhiễm chéo

(Baohatinh.vn) - Trẻ nhỏ, sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm. Theo các chuyên gia y tế, sởi, rubella, tay - chân - miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết…là những bệnh truyền nhiễm thông thường, phác đồ điều trị đơn giản, có thể điều trị ở tuyến dưới. Do đó, người dân cần nhận thức một cách đầy đủ từng loại dịch bệnh và tình trạng bệnh của trẻ để chọn tuyến điều trị hợp lý, giảm tải cho tuyến trên và phòng lây nhiễm chéo.

Quá tải buồng bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm chéo luôn thường trực.
Quá tải buồng bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm chéo luôn thường trực.

Quá tải - nguyên nhân lây nhiễm chéo

Có dịp vào Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai mới “mắt thấy, tai nghe”, thấm thía sự quá tải của bệnh viện tuyến trên. Tại Phòng Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng nặng nhưng chủ yếu vẫn phải nằm từ 2 người trở lên/giường bệnh, còn đối với các buồng bệnh bình thường thì từ 4-6 bệnh nhân/giường bệnh.

Không có khu cách ly đối với các bệnh lây nhiễm; chen chúc, chật chội…, hầu hết người nhà bệnh nhi đều nhận biết rõ các nguy cơ lây nhiễm chéo nhưng lo là lo mà đến thì vẫn phải đến. Chị Nguyễn Thị Lan, người Nam Định, có con nằm điều trị tại Phòng Cấp cứu vì bị viêm phổi, chia sẻ: “Vào đây, sợ nhất là lây nhiễm chéo. Các bệnh lây nhiễm nhiều, ở đây không thể tránh khỏi. Chỉ sợ con mình chữa khỏi bệnh này lại mắc bệnh kia”. Lo lắng là vậy nhưng khi tôi hỏi tại sao chị không đưa cháu đến các bệnh viện tuyến dưới mà lại vào đây, chị bày tỏ: “Ở nhà điều trị nhiều đợt rồi nhưng không dứt điểm, nghe nhiều người nói ra đây điều trị tốt hơn. Các thầy thuốc đầu ngành đều tập trung ở tuyến T.Ư”!?

Cũng với tâm lý đó, không ít người dân Hà Tĩnh vẫn đưa con nhỏ ra các bệnh viện tuyến T.Ư. Bác sỹ Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tuyến T.Ư có điều kiện về trang thiết bị và nhân lực tốt hơn các bệnh viện tuyến tỉnh là điều đương nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết phân loại mức độ bệnh theo tuyến để chăm sóc, điều trị. Thực tế cho thấy, rất nhiều loại bệnh của trẻ có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới nhưng do tâm lý người dân nên cứ dồn lên tuyến T.Ư, gây quá tải – nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm chéo, đe dọa sức khỏe của trẻ.

Nhiều loại bệnh của trẻ có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới nhưng do tâm lý người dân nên cứ dồn lên tuyến trên, gây quá tải
Nhiều loại bệnh của trẻ có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới nhưng do tâm lý người dân nên cứ dồn lên tuyến trên, gây quá tải

Chữa bệnh đúng tuyến - phòng lây nhiễm chéo

Còn nhớ, năm 2014, khi dịch sởi bùng phát, cướp đi sinh mạng của không ít trẻ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra 4 nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do người dân không tiêm vắc-xin phòng bệnh cho con. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến nguyên nhân khiến nhiều trẻ tử vong chính là do tâm lý: con mắc bệnh, mặc dù còn ở mức độ nhẹ cũng thi nhau vào bệnh viện T.Ư gây quá tải cho bệnh viện. Mà bệnh viện càng quá tải thì nguy cơ lây nhiễm chéo càng lớn.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều bệnh truyền nhiễm mà trẻ hay mắc phải như sởi, rubella, tay - chân - miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… là những bệnh thông thường, phác đồ điều trị đơn giản, có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới, không nên “bồng bế” con lên điều trị ở tuyến trên, gây quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo khiến trẻ chưa khỏi bệnh này đã mắc thêm bệnh khác. Bài học đau xót về phân tuyến điều trị trong dịch sởi năm 2014 vẫn còn tươi mới. Điều này càng khẳng định cho người dân thấy, không phải lúc nào khám chữa bệnh vượt tuyến cũng tốt. Người nhà bệnh nhân nên đưa trẻ đi khám tại tuyến cơ sở để theo dõi, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một cách tốt nhất. Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu vẫn là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ để phòng bệnh hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast