Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

(Baohatinh.vn) - Ngay sau khi thành lập (1930) và bắt đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng “là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”.

Trải qua các giai đoạn cách mạng và các kỳ Đại hội, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Đảng ta không ngừng kế thừa, phát triển các chủ trương, đường lối, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Tư tưởng của Người, một mặt nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, đặt ngang với các lĩnh vực trọng yếu khác, mặt khác phê phán quan niệm coi nhẹ công tác văn hóa, không thấy vai trò nền tảng, vai trò sáng tạo, dẫn dắt của văn hóa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các em học sinh và giáo viên Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/02/1960. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu.

Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và muốn như thế, mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành phải là tấm gương để mọi người noi theo: “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Người nêu quan điểm “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, cần đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức, những nhà văn hóa và toàn quân, toàn dân phấn đấu cho sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, góp phần quan trọng vào việc nhân đạo hóa con người, cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Văn hóa phải “gắn liền với lao động, sản xuất, văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người đề ra chủ trương diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, khơi dậy phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa để dồn sức xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí. Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Văn hóa phải thấu hiểu và đi sâu vào đời sống, “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

Bác Hồ với đại biểu nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc và Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Hồ Chí Minh đã đặt ra một yêu cầu cơ bản là: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa; muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”, vì theo Người, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của các căn bệnh làm hại đến sự phát triển của đất nước…

Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 1943, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, bằng tầm nhìn chiến lược và tư duy sắc bén của một nhà chính trị đã vận dụng các quan điểm của Chủ nghĩa Mác và kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đã soạn thảo Đề cương Văn hoá Việt Nam (còn gọi Đề cương Văn hóa 1943). Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Văn hoá dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định ba nguyên tắc:“Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hoá: một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt; hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Đây là hai nhiệm vụ giản dị nhưng lại hết sức quan trọng ở tầm nhìn, tầm nắm bắt yêu cầu của cách mạng, lấy dân là gốc.

Đường lối văn hoá kháng chiến dần được hình thành rõ nét. Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội - Thủ đô của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” và “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Tháng 7/1948, tại Việt Bắc, trong những năm tháng đầy hy sinh gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai. Thay mặt Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo quan trọng tại Hội nghị với tên gọi “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”. Báo cáo hệ thống hóa, cụ thể hoá và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hoá 1943 của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hoá của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc với 7 phần quan trọng và 6 nhiệm vụ chủ yếu.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Ảnh tư liệu

Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hoá cứu quốc được thành lập năm 1943. Sau Hội nghị văn nghệ toàn quốc, các văn nghệ sĩ nhiệt tình đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”.

Từ năm 1950 trở đi, mô hình xây dựng văn hóa kháng chiến có sự điều chỉnh, hình thức “hội nghị văn hóa toàn quốc” không tiếp tục duy trì. Nhân Triển lãm hội họa (năm 1951), trong thư gửi các họa sỹ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người nhấn mạnh vai trò xung kích của văn hóa, văn nghệ trong sứ mệnh giải phóng dân tộc.

Ngay sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đã đề cập đến việc “đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa” và nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” đã được Đại hội lần thứ IV của Đảng đặt ra. Sau đó, Đảng ta tiếp tục xác định ngày một rõ hơn các nội hàm đặc trưng văn hóa Việt Nam và cùng với sự đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế, Đảng ta có những đổi mới quan trọng lý luận về văn hóa.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội... có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. So với những nhận thức, quan điểm trước đây, luận điểm này là một bước phát triển về chất, cả tư duy lý luận và cả tổng kết thực tiễn. Nền văn hóa tiên tiến là nền văn hóa thấm sâu phẩm chất dân chủ, khoa học, nhân văn.

Quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” đã được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, năm 1996”. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các quan điểm chỉ đạo và các nội dung, giải pháp của Nghị quyết trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được kế thừa, bổ sung và phát triển tại các kỳ Đại hội lần thứ IX, lần thứ X và lần thứ XII của Đảng.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa của Đảng ta

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Ảnh: Thu Hà

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), tư duy lý luận và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta về văn hóa một lần nữa được kế thừa, bổ sung và phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa đã thể hiện tư duy lý luận và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là yếu tố nội sinh quan trọng để đảm bảo phát triển đất nước bền vững.

Tin tưởng sâu sắc rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ tiếp tục mở ra những định hướng lớn cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast