“Bão” : Ở những chốn tận cùng thế giới có gì?

Với ’Bão’, Le Clezio tiếp tục mê hoặc người đọc bằng văn phong cực kỳ tinh tế và khả năng chạm tới tận cùng thân phận con người.

bao o nhung chon tan cung the gioi co gi

Tác phẩm Bão của Le Clezio.

Clezio luôn đặt nhân vật của mình ở những nơi rìa vực của xã hội. Nơi xa cách mọi định ước văn minh xã hội. Họ sống bản năng, thuần túy, và Clezio, ở tập truyện Bão này lại tiếp tục khai thác tận cùng cái bản năng hoang dại ấy của con người.

Bão gồm hai truyện vừa đặt cạnh nhau: Bão và Người đàn bà không danh tính. Bão diễn ra trong một thế giới khép kín của một hòn đảo thuộc Hàn Quốc. Câu chuyện của Bão được diễn giải bằng hai giọng tự sự, một của cô bé June 13 tuổi, luôn băn khoăn về bí mật của biển, một của ngài Kyo, người đàn ông tìm đến Bão để sám hối và để chết. Hai câu chuyện song hành với nhau, đan cài vào trong nhau, được bao bọc bởi cõi biển đầy màu xám ngắt, đen tối, u tịch.

Biển trong Bão khơi gợi, mở cửa những bí mật, tái sinh những vùng ký ức xa xôi, để rồi lại chôn vùi mọi bí mặt vào cõi thẳm sâu nhất của Biển. Biển trong Bão dữ dội, cô liêu, với những trận bão táp của vùng tâm trí, cuộn đầy trong biển.

Trên hòn đảo ấy còn có những người đàn bà lặn biển, cả đời đắm mình trong biển. Bí mật của biển, ở cùng sâu của mênh mông, có lẽ chỉ những người đàn bà ấy mới hiểu rằng, ấy cũng là u uất, cay đắng, là cô độc khép kín, giống như tâm hồn của họ.

Ở truyện vừa Người đàn bà không danh tính, sự gặp gỡ, của hai chị em không hoàn toàn chung một dòng máu, Rachel và Abigail, đã giúp cả hai được cứu vớt, giữa những vòng xoáy của dấn thân, đổ vỡ và mất mát. Ấy là cái nương tựa, cái cứu vớt họ khỏi những bờ vực tuyệt vọng, bi kịch của cuộc sống.

bao o nhung chon tan cung the gioi co gi

Câu chuyện được đặt trong bối cảnh của những vùng màu sắc rực đỏ, nóng bỏng. Người đàn bà không danh tính hiện lên với những phổ màu dữ dội, chói chang của lửa, của pháo hoa, của mặt trời. Thứ màu sắc mang tính huy hoàng hủy diệt ấy, nó khiến câu chuyện trở nên kịch tính, sắc sảo và đau đớn.

Tại sao Bão và Người đàn bà không danh tính đặt cạnh nhau trong tập truyện này? Kỳ thực, người đọc sẽ bị đuối sức, khi theo đuổi Bão. Bão được tạo nên bởi những nhân vật có quá nhiều đau đớn, quá nhiều bất hạnh, bởi những kí ức về tội lỗi, về bạo lực, về gian díu, về hắt hủi, sa ngã, nhưng Clezio không cố tình mài sắc những đau đớn ấy. Ông mài sắc ngòi bút, và dụng công lẩy ra những sợi tơ đẹp đẽ nhất từ những khốn khổ ấy để xoa dịu. Cái cuối cùng của những cơn bão bủa vây con người trông tuyệt vọng u uất ấy chính là những khoảnh khắc gặp gỡ nhói lòng. Những khoảnh khắc khi Kyo và June, khi Rachel và Abigail vượt qua được vực thẳm cô độc của mỗi người để khẽ chạm vào nhau.

Những khoảnh khắc làm bừng sáng cả một vùng tâm hồn hoang dại, để tái sinh thành những thơ mộng hiếm có trong đời sống, đó là điều Le Clezio trăn trở, day dứt, và gắng công thể hiện trong mọi sáng tác của ông.

So với những tác phẩm trước như Những nẻo đường đời và những bản tình ca, Điệp khúc cơn đói, Sa mạc, Vòng xoáy, ... Clezio viết Bão bằng một lý trí mãnh liệt, chặt chẽ, ngôn ngữ được chắt lọc, sắc bén và cẩn thận. Ngòi bút của ông bủa vây nhân vật đến nghẹt thở, đi vào những ngõ ngách tăm tối, tận cùng nhất để tìm kiếm và trải bày, trước biển (Bão), trước sa mạc (Người đàn bà không danh tính). Là phơi bày trước những mênh mông thiên nhiên, để tìm kiếm ủi an từ thiên nhiên hoang dã kia hiếm hoi chút niềm quấn quýt còn sót lại.

Dù ở Bão, hay Người đàn bà không danh tính, Clezio cũng sẽ khiến người đọc mệt mỏi bởi những hành trình di chuyển triền miên. Ấy là di chuyển ở thực tại của June và mẹ cô bé, của Rachel, của Abigail nhưng cái di chuyển thực đáng sợ và tốn công theo đuổi ấy là di chuyển của những khoảng ký ức vỡ giữa các vùng tâm trí. Bước vào tâm trí của người khác, tiếp xúc với những chôn cất riêng tư mới thực là một hành trình đáng sợ, nhưng lại vô cùng quyến rũ, bởi tâm trí luôn lấp lánh những bí mật. Và nương theo hành trình của Clezio, người đọc tất sẽ khám phá được ở mê cung tâm trí những điều kỳ diệu và đẹp đẽ nhất.

Clezio là vậy, lúc nào cũng hướng sự chú ý của mình vào những số phận mang nặng buồn bã, khiến người đọc thắt tim trong một nỗi bải hoải rã rượi, nhưng sâu thẳm ấy, Clezio tuyệt đối không chỉ bày phơi, ông tìm cách an ủi bằng sự thi vị của khoảnh khắc. Bởi thế, ông không chỉ để người đọc nhìn thấy, mà hơn hết là sự cảm thấy. Cái bi cảm về nỗi đau, về mất mát, về ám ảnh mãnh liệt bao nhiêu thì sự thi vị, ý nhị lại càng được bật lên rõ ràng bấy nhiêu. Đó là cách người đàn ông viết văn khai phá những số phận, những tâm hồn tận cùng thế giới trong hành trình di cư của mình.

Năm 2008, Le Clezio đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel cao quý, bởi những tác phẩm phiêu lưu thi vị, tuyệt đẹp của ông giữa “thế giới đang bị thống trị của nền văn minh”.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast