Vì sao có khi tôi khóc?

Hai mươi năm chồng vợ, đi qua bao nỗi niềm cũng vì tình yêu mà đến lúc này anh mới hiểu thấu vì sao có những khi tôi khóc...

Tôi vốn là tiểu thư.

Bỏ qua những chàng trai xứng đôi vừa lứa thường tìm cách tiếp cận tôi trên giảng đường hoặc trong thư viện, tôi chỉ chú ý đến anh, người luôn có tên trong danh sách nhận học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó.

vi sao co khi toi khoc

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Khi bạn bè nhận ra sự chú ý của tôi và nhận ra anh né tránh tôi một cách khổ sở thì đâu đó xì xèo anh là chuột sa chĩnh gạo. Suốt bốn năm đại học chúng tôi cứ hành hạ nhau - tôi vênh vang đi chơi với tên đẹp trai nhất khoa, con nhà giàu có, anh dửng dưng như tôi chỉ là một trong những cô gái cạn cợt xốc nổi. Để rồi có những lúc, trên lối rẽ qua hành lang, tình cờ giáp mặt, cả hai đều khựng lại, luống cuống...

*

Ba má tôi không phải kiểu người khắt khe đến mức ngăn cản lứa đôi vì khoảng cách giàu nghèo, nhưng ông bà không yên tâm vì sự kiêu hãnh thái quá của anh. Mặc cảm nghèo khó khiến anh thường trong tâm thế sẵn sàng từ bỏ tất cả để thể hiện lòng tự tôn. Sau vài lần anh tới nhà, má tôi nhận xét: “Nếu lỡ mà ba má xử sự bất cẩn thì e là nó thà chọn thất tình...”. Tôi phản đối nhận xét của má, cố bênh vực anh nhưng trong lòng buồn lắm vì biết má nói đúng.

Biết mối tình của mình khiến ba má không an lòng nên tôi luôn tìm cách nói tốt về anh và điểm tốt nhất mà tôi hay nhắc là anh học rất giỏi. Rồi ba tôi cũng gật đầu: “Đàn ông con trai chỉ cần giỏi thì thế nào cũng thành đạt”. Nhưng má tôi lại thở dài: “Tính khí đó… đợi tới khi thành đạt thì con gái mình cũng đủ khổ”.

*

Trước ngày cưới, tôi thuyết phục được anh chịu ở rể, lý do là anh trai tôi hay đi công tác xa, đợi khi anh tôi lấy vợ, ba má tôi có con dâu thì tôi và anh sẽ ra riêng. Nói với anh như vậy và sự tình cũng đúng vậy, nhưng thật ra tôi còn một lý do khác nữa. Má đã thì thầm với tôi là nếu về sống chung, chúng tôi sẽ tiết kiệm được khá nhiều khoản chi tiêu và tôi được sung sướng vì có má lo toan mọi thứ. Má đâu chịu khoanh tay đứng nhìn con gái mình phải khổ.

Nhưng cuộc sống chung êm ấm không được bao lâu vì anh rất dễ tự ái khiến ba má và anh trai tôi đâm ra căng thẳng do lúc nào cũng phải ý tứ giữ kẽ với anh. Sau hai tháng, chúng tôi ra riêng. Má muốn tôi được ở rộng rãi nên lén cho tôi tiền thuê nhà, nhưng không qua mặt được anh.

Rõ ràng tiền thuê nhà là một món khá lớn so với tiền lương của cả hai vợ chồng. Tôi nói dối đó là tiền tôi nhận dự án về làm thêm, anh không tin. Chuyện này là phát sinh trận cãi nhau đầu tiên của chúng tôi, lý do vì tôi nói dối. Tôi hét lên, chính vì tính cách của anh mà tôi không thể nói thật, quá vô lý khi tôi phải từ chối sự giúp đỡ của chính ba má mình. Cãi nhau xong hai đứa đều khóc. Rồi chúng tôi thuê một căn phòng mười lăm mét vuông, khởi đầu cho sự chắt chiu mà tôi bất đắc dĩ tự nguyện. Vì yêu anh, tôi không muốn anh bị tổn thương.

*

Ban đầu tôi khá lúng túng trong việc sắp xếp cuộc sống riêng nhưng rồi cũng ổn. Má tới thăm, ngạc nhiên thấy căn phòng nhỏ được sắp xếp đâu ra đó, tôi lại còn nấu ăn khá ngon nữa. Nếu không ở riêng chắc còn lâu tôi mới biết đi chợ và tính toán sao cho không phải vứt bỏ thứ gì.

Tôi thích nghi nhanh chóng với việc làm vợ, còn anh thì vẫn là chàng trai đầy tự ái như ngày nào. Tôi vui với bạn bè bằng cách biến lòng tự ái, tự tôn của anh thành nỗi tự hào. Đâu dễ có người quyết xây dựng sự nghiệp từ tay trắng mà không thèm nhờ vợ. Nhưng thật ra, tôi đang khổ sở vì tính khí của anh, đúng như má tôi đoán.

Không muốn mượn tiền của gia đình vợ nhưng đằng nào cũng phải có vốn làm ăn, anh vay ngân hàng. Mỗi khi tới kỳ trả nợ phải chạy vạy khắp nơi. Anh nói tôi không phải lo nhưng làm sao tôi yên được khi chồng mình bạc mặt chạy tiền. Nhiều lần tôi đề nghị: “Coi như mình mượn tiền của ba má, rồi trả lãi như ngân hàng mà không phải quá lo lắng thời hạn trả nợ”, nhưng anh nhất định kiêu hãnh lắc đầu. Chừng như chính anh lao vào cuộc đua mà anh vừa là vận động viên vừa là trọng tài. Anh đã quên chú ý tới điều quan trọng là trên cuộc đua mà anh tự đặt ra luật lệ đó, có tôi và đứa con bé bỏng của chúng tôi đồng hành.

Mỗi khi anh tính toán công việc làm ăn với bạn bè, tôi cầu mong biết mấy sự thành công, hy vọng thành công sẽ khiến anh hài lòng mà bớt khắt khe với chính mình. Chỉ có thành công mới giúp anh mở lòng mà sống. Tôi đọc các bài báo phỏng vấn những người thành đạt từ tay trắng, hình như họ đều có chung câu trả lời “Tôi có được ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự đồng cam cộng khổ của người bạn đời”.

Tôi không thể hình dung những người phụ nữ kia đã cam cộng những gì, nhưng với tôi thì còn có thêm nỗi buồn mà tôi che giấu rất giỏi. Người đàn ông tôi yêu rất yêu tôi, nhưng anh còn yêu chính bản thân anh hơn. Có lẽ, như má tôi từng nhận xét, nếu tôi xử sự bất cẩn thì chắc anh thà chọn đau đớn… Có phải?

Hai mươi năm trôi qua, chúng tôi mua được căn nhà khang trang, chiếc xe hơi, và có cổ phần trong một công ty. Lẽ ra tôi đã không nhắc lại quá khứ làm gì nếu bạn trai của con gái tôi không phải là phiên bản của anh.

Đứa con trai ấy xuất hiện trong phòng khách sang trọng nhà tôi hệt như anh ngày nào, gầy guộc, áo quần cũ kỹ nhưng dáng ngồi thẳng tắp, cái cằm ngước lên như sẵn sàng từ bỏ, nếu… Và con gái tôi, như phiên bản của tôi ngày nào, lo lắng sợ cha mẹ mình lỡ lời và hết lòng khen người yêu “Anh ấy học giỏi nhất khoa…”.

Đối diện với tình yêu của con gái cưng, anh mới hiểu anh đã làm khổ tôi một cách ngốc nghếch và vô lý như thế nào. Hai mươi năm chồng vợ, đến với nhau vì tình yêu và đi qua bao nỗi niềm cũng vì tình yêu mà đến lúc này anh mới hiểu thấu vì sao có những khi tôi khóc mà anh thì chẳng hề làm gì tệ.

Theo phunuonline.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast