Mỹ lo Triều Tiên có bom H

Nếu bom H ném xuống TP New York - Mỹ, con số tử vong có thể lên đến hơn 1,7 triệu người

Một quan chức quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ Triều Tiên trong vòng 6-18 tháng tới có thể chế tạo một quả bom khinh khí, còn gọi là bom nhiệt hạch hay bom H, có tiềm năng giết chết hàng triệu người.

Sức công phá "khủng"

Vào đầu năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên đã thử nghiệm một quả bom H. Khi đó, hầu hết chuyên gia đều bác bỏ tuyên bố này. Tuy nhiên, vẫn có một số báo cáo đến từ Hàn Quốc quả quyết Triều Tiên có thể "chỉ còn cách bom H một cấp độ". Một quả bom H có sức công phá mạnh hơn gấp nhiều lần so với 2 quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), dẫn đến kết thúc thế chiến thứ II năm 1945.

Nếu các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không chặn được bom H của Triều Tiên rơi xuống thủ đô Washington, nó có thể giết chết 500.000 người và làm bị thương 900.000 người. Còn nếu bom H ném xuống TP New York, con số tử vong có thể lên đến hơn 1,7 triệu người.

my lo trieu tien co bom h

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bìa phải) chỉ đạo vụ thử nghiệm ICBM đêm 28-7 Ảnh: KCNA/REUTERS

Khi phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 28-7, Triều Tiên đã chứng tỏ mình có năng lực bắn trúng nhiều khu vực thuộc nửa lãnh thổ phía Tây nước Mỹ. Một số chuyên gia thậm chí còn nhận định ICBM đó có thể bay đến Chicago, New York hoặc ngay cả thủ đô Washington. Trước đó, Triều Tiên từng chứng tỏ nước này có bom nguyên tử bằng cách thử nghiệm chúng.

Điều đáng lo là nhiều chính khách, viên chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ xem đó là mối đe dọa xa vời, như thể người Mỹ còn có thời gian để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Một số nhà chuyên môn có thể lập luận rằng người Mỹ không có chứng cứ rõ ràng cho thấy Triều Tiên đã phát triển được một quả bom nguyên tử đủ nhỏ để gắn vào đầu đạn trên ICBM. Người ta cũng không chắc chắn Triều Tiên đã phát triển một quả bom H mạnh hơn hay đã hoàn thiện cách bảo vệ đầu đạn hạt nhân để nó có thể quay lại bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu. Tuy nhiên, ông Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, cho rằng đây là những trở ngại trên tuy lớn nhưng không phải là không thể vượt qua.

Nguy cơ từ những vụ thử bất ngờ

Ngay cả khi chưa thể vươn tới lục địa Mỹ như cảnh báo, tên lửa Triều Tiên vẫn có nguy cơ đe dọa các máy bay thương mại trong quá trình phóng thử. Nỗi lo này càng tăng sau khi ICBM của Triều Tiên đã bay ngang qua đường bay của chuyến bay 293 của hãng hàng không Air France (Pháp) đi từ TP Tokyo - Nhật đến TP Paris - Pháp trong quá trình phóng hôm 28-7. Đài BBC cho biết máy bay này đã bay ngang qua điểm tên lửa rơi khoảng 10 phút sau đó. Còn Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa nói trên đã bay qua một khoảng không gian có nhiều máy bay qua lại.

Trong động thái giảm thiểu rủi ro, Air France hôm 4-8 thông báo sẽ mở rộng khu vực cấm bay quanh Triều Tiên.

Thông qua vụ việc trên, giới phân tích tiếp tục nêu bật mối quan ngại về chuyện Triều Tiên mở rộng phạm vi thử nghiệm gần các đường bay bên trên lãnh hải Nhật Bản nhưng không hề cảnh báo trước. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nhấn mạnh "các quốc gia có trách nhiệm" sẽ đưa ra thông báo trước khi thực hiện các vụ thử tên lửa bởi nếu không làm thế, các máy bay, tàu thuyền và tàu vũ trụ gặp nguy hiểm.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã phát cảnh báo đến mọi tàu thuyền, máy bay hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình 8 phút sau khi tên lửa Triều Tiên được phóng. Air France xác nhận đã nhận được cảnh báo nhưng nói thêm thông điệp này không nói rõ hãng hàng không phải làm gì.

Theo NLĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast