Thêm 1 triệu liều vắc-xin Covid-19-19 của Nhật Bản hỗ trợ dự kiến về Việt Nam đầu tháng 7/2021

Chiều tối 29/6, Bộ Y tế cho biết trong khuôn khổ viện trợ từ Nhật Bản, 1 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 mà nước này dành tặng Việt Nam mà Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 25/6/2021 dự kiến sẽ được chuyển đến Việt Nam 2 đợt, vào ngày 1/7 và ngày 8/7/2021.

Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 AstraZeneca. Vắc-xin có tên VAEVRIA Intramuscular Injection (tên khác: Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Như vậy, cùng với lô vắc-xin hỗ trợ Việt Nam ngày 16/6, tổng cộng Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam gần 2 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca.

Việc tiếp nhận vắc-xin phòng COVID-19 từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản lần này là hết sức kịp thời góp phần giúp Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Chính phủ Nhật Bản viện trợ vắc-xin COVID-19. Phát biểu tại lễ tiếp nhận gần 1 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh món quà quý giá này thể hiện mối quan hệ tốt đẹp của Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản với Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khan hiếm nguồn cung vắc-xin trên toàn thế giới.

Thêm 1 triệu liều vắc-xin Covid-19-19 của Nhật Bản hỗ trợ dự kiến về Việt Nam đầu tháng 7/2021

Những container bảo quản vắc-xin phòng COVID-19 trong số gần 1 triệu liều đầu tiên từ Nhật Bản sang Việt Nam đang được đưa từ máy bay xuống để vận chuyển đến kho bảo quản tối ngày 16/6. Ảnh: Thái Bình

Việt Nam cam kết sử dụng lô vắc-xin này hiệu quả và nhanh nhất. Ngay sáng ngày 17/6, lô vắc-xin này đã được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để tiêm cho người dân và công nhân phục vụ nhu cầu phòng chống dịch tại đây. Bộ Y tế đã phân bổ lô vắc-xin này chủ yếu đến TP Hồ Chí Minh hơn 840.000 liều

Tính đến ngày 29/6, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 4,5 triệu liều vắc-xin, trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ (gồm 811.200 liều về Việt Nam ngày 1/4/2021; 1.682.400 liều về Việt Nam ngày 16/5), hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC (117.600 liều về Việt Nam ngày 24/2/2021 và 288.100 liều về Việt Nam ngày 25/5/2021) và khoảng gần 1,5 triệu liều vắc-xin do các nước hỗ trợ về Việt Nam trong tháng 6/2021.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 28/6, Việt Nam đã tiêm 3.497.104 liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 172.994 người.

Việt Nam đang bước vào thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn toàn quốc với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Có thể nói rằng, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo Thái Bình/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast