Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Bình thơ

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới

Như cánh chim trong mắt của chân trời

Ta đã chán lời vu vơ giả dối

Hót lên! Dù đau xót một lần thôi

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào- nếu chán- gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi

(Hoàng Nhuận Cầm)

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến ảnh 1

Có lẽ rằng không có ai trong cuộc đời không trải qua một đôi lần hò hẹn. Nó là một phần không thể thiếu trong những cung bậc của tình yêu. Có rất nhiều bài thơ viết về cung bậc tình cảm này nhưng có lẽ không ai có thể có được cuộc hẹn hò đầy day dứt như trong thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Đọc bài thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” tôi như có cảm giác mình đã đứng đó từ lâu lắm rồi. Chứng kiến thấy gã si tình đứng đợi cuối con đường mùa thu xênh xang gió. Tôi vẫn luôn thích sự lỡ làng trong thơ anh. Một hạnh phúc tưởng như có ở trong tay rồi chợt vỡ, một tình yêu tưởng đã vẹn tròn phút chốc lại chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại sau cái lần “cuối cùng em cũng đến”.

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Không lỡ hẹn. Cuối cùng người con gái của mình đã đến. Ngay từ đầu bài thơ ta đã thấy sự đợi chờ làm con người ta mòn mỏi đến thế nào. Tiếng thơ như một sự thở phào nhẹ nhõm nhưng day dứt đầy nuối tiếc: “cuối cùng em cũng đến”, em đến để biết rằng sự chờ đợi của ta vẫn không hề vô vọng nhưng cũng đã quá muôn rồi. Muộn không phải vì ta không còn đợi nữa mà chính mùa thu đã không còn kiên nhẫn với cuộc tình... bởi lẽ

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hoàng Nhuận Cầm vốn giỏi dùng những hình ảnh thật cụ thể để diễn đạt những cảm giác vô cùng mơ hồ, tinh tế. Từ cái hữu hình để nói đến cái vô hình. Ta như thoáng thấy cả không gian và thời gian vời vợi còn lại của mùa thu trong những cánh hoa tím cuối cùng ấy để thấy một mùa thu đã đi qua. Và đến đây người đọc cũng cảm nhận được người đàn ông kia đã mong đợi đến thế nào phút giây gặp mặt. Nỗi đợi chờ ấy như từ xa lắm, dài như một cuộc đời vậy. Nó được bắt đầu từ mầm cây vừa mới vươn mình trên đất, bắt đầu từ sự sinh sôi cho đến sự úa tàn. Từ sự hi vọng đến tột cùng tuyệt vọng. Có sự đợi chờ nào dài hơn như thế! để rồi:

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xưa

Khổ thơ này chất chứa trong đó rất nhiều suy tưởng, một sự suy tưởng giản dị nhưng ẩn chứa một quan niệm rõ ràng về tình yêu. Tôi thích hình ảnh chim bồ câu trong suy tưởng của anh. Bồ câu không chết trẻ, cũng như tình yêu không có quyền chết trẻ, những khát khao không có quyền lụi tàn bởi tình yêu là hiện thân của cái đẹp đẽ nhất mà con người hằng mong muốn, khát khao hướng tới và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn.

Và người đàn ông ấy đã có một tình yêu đẹp đẽ. Cái Đẹp trong tình yêu không chỉ nói đến độ viên tròn của lứa đôi, mà nó còn hướng đến sự thánh thiện của tâm hồn. Dẫu rằng:

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào- nếu chán- gió lại ra

Một sự so sánh chua chát! tưởng rằng đó là lời trách móc với người con gái nhưng nếu để ý thì ta lại nhận ra trái tim ấy là một tấm lòng bao dung và độ lượng, dẫu bé nhỏ thôi nhưng là tổ ấm đủ để che chở cho những con gió vô tình lạc lối... chỉ có điều “mùa thu hoa cúc cướp anh rồi”...nghĩa rằng tình yêu đã không còn nữa.

Câu thơ cuối cùng lưu lại trong tôi bởi một từ đậm chất lãng tử của Hoàng Nhuận Cầm “cướp”. Từ ấy gợi lại cả một sự bàng hoàng. Thoáng có để rồi thành không. Thoáng cầm để rồi vụt mất.

Mỗi lần đọc “hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” – một bài thơ, một cuộc tình buồn, tôi lại nghĩ đến hình ảnh người đàn ông đa tình ấy đang ngồi trên sân ga trong môt buổi chiều lộng gió. Vẻ phong trần ấy gợi nhớ đến câu danh ngôn của Victor Hugo “ai khổ vì yêu hãy yêu hơn nữa, chết vì yêu là sống ở trong yêu”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast