Hoa ô môi

(Baohatinh.vn) - Bầu trời ngấn nước. Xanh đẫm!

Làng hẹp chạy dọc theo triền sông, phù sa hằn một đường dài, thẳng như kẻ chỉ, tạo thành đường viền vui mắt. Rong rều từ thượng nguồn đổ về quẩn dạt hai bên đường kè bằng đá xanh. Những ngày trời hao hao nắng, mấy cụ bà lưng còng sệp thường nhặt nhạnh, bó từng bó nhỏ làm mồi nhen. Dọc theo đường kè, làng lấy lễ của những nhà có con gả cưới xây một con đường nhỏ bằng gạch nung. Vài tuần một lần, đoàn thanh niên lại phát động trẻ con trong xóm gom rác thải, con đường nhỏ rợp tán cây đẹp như đường trên phố. Phần nhô ra của đường kè nơi khúc sông cuộn chảy, rực rỡ màu hoa của đào hồng thắm, kiêu sa của những chùm hoa ô môi.

Hoa ô môi bắt rét sau đợt nắng, vàng trời bung nụ, chấm lên nền trời âm u màu sắc ấm áp, vui mắt. Dân chài quăng lưới ở khúc sông làng Đẻn chiều chiều rủ nhau dạt về buông neo. Họ nấu nướng và ăn uống xì xụp. Họ bâng khuâng ngắm nhìn loài hoa đẹp đến lạ lùng. Những con người không thoát khỏi nợ áo cơm, luẩn quẩn trong vòng quay của tiền bạc và thiếu thốn mơ ước điều xa xôi.

Hoa ô môi ảnh 1
Minh họa của Huy Tùng

Lão Bóng thẫn thờ. Mấy ngày liền, lão không dám ra khỏi nhà, lão sợ màu hoa kiêu sa đổ bóng nơi khúc sông quặn chảy. Lão nhìn hoa mà nhớ đến người. Con gái lão! Đã mấy cái tết, nó biền biệt không thư từ, không gọi điện, không hẹn ngày về thăm. Lão không dám khóc. Thương lão, hàng xóm láng giềng thi thoảng lui tới, nói mấy câu động viên: “Ông ráng mà ăn, dăm bữa nó về còn lo đám cưới, rồi bế bồng đám trẻ… Muốn khóc, ông cứ khóc, đừng giữ trong lòng thêm khổ!”. Lão ngồi bất động, đôi mắt với ánh nhìn vón cục, u tối nhìn lên tấm ảnh duy nhất giữa nhà. Trong ảnh, con gái lão tết tóc thành bím, nụ cười tươi roi rói, đôi môi kẻ chỉ phớt một lớp son mỏng. Bức ảnh được chụp khi Thiên tốt nghiệp đại học.

Đời lão Bóng cơ cực từ lúc mới sinh ra. Người ta nhặt được lão khát sữa, khóc tím tái trong tấm áo nhàu nhĩ dưới gốc cây bòng đầu làng. Từ đó, lão được người làng thay nhau nuôi nấng, được đặt tên là Bóng. Thằng Bóng. Cu Bóng. Anh Bóng. Lão lớn lên khỏe mạnh, chân tay rắn chắc, khuôn ngực vạm vỡ… Lão làm mọi việc, khi ở nhà này, mai ở nhà kia một cách tự nguyện, không công liêng. Nhưng, khi mọi trai tráng trong làng cùng trang lứa đã yên bề gia thất, lão vẫn một mình ở vậy. Không một ai trong làng chọn lão cho con gái mình. Người làng cưu mang lão nhưng đeo nặng hình ảnh một thằng Bóng không cha, không mẹ, một thằng Bóng ăn nhờ, ở đậu khắp cả làng. Bóng biết thân biết phận, cố co mình lại để sống. Rồi một ngày, Bóng bị đánh quật ra khỏi làng. Bóng không cha mẹ, quê hương. Bóng không học hành, nghề nghiệp. Chân trời thơ thới, rộng rãi nhưng Bóng không có chỗ để neo lại cuộc đời…

Trên con bè nhỏ, Bóng lênh đênh cùng sông nước. Một ngày trời dông bão, lũ quét tấp Bóng vào ngôi làng hẹp, nơi khúc sông quặn chảy. Ngôi làng như một chấm xanh giữa nền trời, cuối làng choãi ra dòng nước như bàn chân mềm mại của nàng tiên nữ. Một lần nữa, Bóng được cưu mang. Người ta cho Bóng một gia đình. Bóng có vợ, một cô vợ đẹp như tiên giáng trần. Đôi mắt xanh thẫm với hàng mi rợp, bầu má trắng nõn, mềm mại, đôi môi hé mở, cười tươi như hoa. Ông bố đặt tay Bóng vào cái bụng đã bắt đầu lùm lên của con gái, nói với Bóng: “Cha cho con tất cả, nhưng đừng bao giờ hỏi bố đứa bé là ai…”. Thằng đàn ông trong Bóng nhảy chồm lên, bóp nghẹt lồng ngực Bóng. Bóng gật đầu.

Cô vợ của Bóng sinh con khi ông bố chưa kịp gả cưới. Chàng rể Bóng mặc áo chú rể, tay cầm một phong pháo châm nổ đì đẹt trước thềm. Bên trong, cô vợ Bóng đang vật vã với cơn vượt cạn. Một bé gái bụ bẫm. Tên Thiên.

Năm ngày sau đó, cơn lũ chồng lên làng Đẻn. Vợ Bóng nhiễm trùng sau khi sinh, không thuốc thang cứu chữa, qua đời khi nước lấp xấp mái. Trên nóc chạn chật chội và nồng nặc mùi tử khí, con gái Bóng khóc ngằn ngặt. Bóng quyết định vượt mưa lũ để chôn cất vợ. Khi thuyền ra đến giữa dòng, bất chợt một luồng nước xiết mạnh xoáy hút … Bóng sống sót trở về. Chiều chiều, anh chàng Bóng ôm con ngồi nhìn ra xa hút, nơi khúc sông quặn chảy, lòng tiếc thương người con gái nhan sắc nhưng bạc mệnh. Con gái Bóng lớn lên, xinh đẹp như hoa. Năm hai hai tuổi, Thiên tốt nghiệp đại học sư phạm. Kỳ nghỉ hè để chờ việc năm ấy, Thiên đem về và trồng trên bến sông một cây ô môi!

*

* *

Chuyến xe tốc hành chiều hai mươi ba tết đông nghẹt người. Hành lý chất nghểu nghện trên nóc, dưới gầm xe. Xe đường dài tắm bụi, đỏ ngầu. Đuôi xe phủ một lớp bột màu nâu, quanh quánh dầu mỡ. Tài xế ngậm thuốc đầu lọc non nửa, miệng luôn mồm “zô… zô đi”. Đầu tóc anh tài rối bết, đỏ hoe, cổ tay, cổ chân đen nhẻm. Cái hối hả của ngày cuối năm hằn in trên gương mặt của những bà buôn đường dài. Mỗi lần xe dừng lại, các bà lại ngóc cổ ra nhìn. Ôi chao! mới đến Phú Yên à? Sao lâu thế không biết? Bao giờ mới đổ hàng được đây?

Cô gái gật gà ngủ, trong lòng ôm khư khư một bọc nhỏ. Gã trai tóc cua ngắn, mồm mép dẻo quẹo quay sang bắt chuyện:

- Quà cho bố mẹ chồng đúng không em gái? Ghê nhỉ, giữ riệt trên người, chắc là quý lắm đây?

Im lặng. Cô gái hướng tầm mắt ra phía cửa. Gió u u. Trời xâm xấp nước. Hình như sắp có giông. Gã trai ngã người ra sau ghế, đôi mắt lim dim:

- Khi nào mỏi, em gái đưa anh giữ dùm. Bà mẹ chồng nào có cô con dâu này thì thật là phước…

Gã nghẻo đầu lên thành ghế, miệng há ra, thở pho pho như người ngạt mũi nặng. Khi qua đoạn đường nhiều ổ gà, cái đầu cua ngắn của gã lắc lư kéo theo tiếng thở phì phọt nặng mùi. Cô gái chun mũi, cố co người lại để dịch xa hơn anh bạn đồng hành bất đắc dĩ.

Mưa ngày một nặng hạt. Tiếng gió ràn rạt quất hai bên thành xe. Chạy một quãng, trời tưng tửng sáng, bầu trời ráo hoảnh, se se lạnh.

Sau một chặng xe đò chật ních người, cô gái lễ mễ bê vác hành lý, theo triền sông nước xanh leo lắt rẽ vào làng Đẻn.

Thiên, con gái lão Bóng đã về. Trẻ con lúp xúp chạy theo, vừa chạy, chúng vừa đập hai tay vào nhau, hát vang bài đồng dao: “Tập tầm vông. Chị lấy chồng/ em ở góa. Chị ăn cá/ em mút xương. Chị nằm giường/ em nằm đất. Chị húp mật/ em liếm ve. Chị ăn chè/ em liếm bát. Chị coi hát/ em vỗ tay. Chị ăn mày/ em xách bị. Chị làm đĩ/ em thâu tiền. Chị đi thuyền/ em đi bộ. Chị kéo gỗ/ em lợp nhà. Chị trồng cà/ em trồng bí. Chị tuổi Tý/ em tuổi Thân…”. Thiên nhìn đám trẻ, bất chợt mắt nhoen ướt. Thằng bé đi sau cùng không hát. Tóc nó vàng lơ phơ, mùi khét nắng ủi xùi. Cô đặt vào tay nó chiếc bánh mì ăn dở. Nó len lét nhìn cô, thu vội khúc bánh rồi chạy biến vào lối ngõ trước mặt. Thiên gọi:

- Cha ơi, con về rồi đây!

Lão Bóng tấp tểnh chạy ào ra, ôm riết con gái. Bóng nắng xiên vàng của chiều đông làm mắt lão Bóng rưng rức. Bao thương nhớ, mong chờ được dịp tuôn trào, không kìm nén.

Thiên men theo triền sông, ngồi lên phiến đá nhẵn lỳ mà cô đã ngồi suốt những năm thơ ấu. Cây ô môi với những chùm hoa đào hồng tươi sắc đổ bóng xuống khúc sông quặn chảy. Một ngày đầu xuân, khi đang học năm thứ ba khoa Ngữ văn, khóa học của cô được đi dã ngoại. Cô bàng hoàng trước vẻ đẹp kiêu sa, rực rỡ của loài hoa ô môi. Mỗi lần nhìn những chùm hoa khoe sắc, lòng cô lại rộn ràng… Cô khao khát đến cháy bỏng được về bên khúc sông ấy, được ngày ngày ríu rít cùng lũ học trò lam lũ của miền quê lũ lam yêu dấu. Nơi ấy, cô sẽ có một cuộc sống yên bình. Người cha già khó nhọc cả đời của cô có thể thư thái buông cần trên chiếc thuyền câu mà không cần phải lo nghĩ đến bữa cơm chiều…

Cây ô môi cô trồng ngay sau ngày nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Lòng cô rộn rã mỗi lần men theo triền sông xuống mô đá nhỏ. Loài cây trồng lên xứ lạ, không hợp thời tiết nhưng bén rễ nhanh, tỏ rõ sức sống diệu kì. Thiên nạp đơn xin việc. Một năm, rồi hai năm… Mọi người ái ngại nhìn cô đạp xe xuôi ngược. Người lớn tuổi trong nghề khuyên cô nên vào Nam. Nhưng, nhìn cây ô môi, lòng cô lại buốt nhói. Cô muốn bám rễ bên dòng sông này, cô muốn vươn lên bằng sức sống mãnh liệt như loài cây hương sắc. Sở không có chỉ tiêu tuyển dụng. Giáo viên ra trường chưa có việc chờ đợi như cô còn xếp hàng dài. Lão Bóng xa xót nhìn con gái chiều chiều thơ thẩn bên khúc sông. Lòng lão như lửa đốt, không lúc nào yên. Lão mua hương hoa, thuê người làm lễ cầu an, mong cho linh hồn người vợ xấu số và những người đã chết trên khúc sông này phù hộ, độ trì cho con gái lão…

Thiên làm một chiếc lán nhỏ trong vườn, cô đến từng chiếc thuyền của dân vạn chài tứ xứ động viên các em đến học. Những ngày lớp mới mở, học sinh theo học cô giáo Thiên có đến vài chục em, đủ mọi lứa tuổi. Thiên vui lắm. Không có ai kiểm tra nhưng giáo án cô soạn đầy đủ, chữ nghĩa nắn nót, đều tăm tắp. Đêm đêm, nhìn con gái miệt mài chấm bài vở, lão Bóng thấp thỏm nỗi lo thắt lòng. Lão không dám để cho con gái biết nỗi buồn khổ của mình. Mỗi lần không chịu được, lão lại đi như chạy ra phía dòng sông rồi đấm ngực thình thịch. Biết phải làm sao đây? Lão biết phải làm gì cho con gái lão đây?

Cũng đã dăm bảy lần, lão bắt xe về thành phố. Cả đời lão chỉ quanh quẩn trong góc làng, lão không biết phải làm như thế nào để tìm việc cho con gái. Nhưng vì con, lão đã đi khắp, đã tìm đến tất cả những nơi mà người ta chỉ cho lão. Mọi người lắc đầu, nhìn lão ái ngại.

Để duy trì cuộc sống cho cả hai cha con, Thiên làm đủ mọi việc, từ dạy kèm lũ trẻ làng chài, đến cắt cỏ, trồng khoai, theo người làng đi buôn chuyến. Lũ trẻ học với cô được dăm ba tháng thì ít dần. Cha mẹ chúng cấm chúng. Cô giáo Thiên dạy chúng tận tình, không bắt chúng phải đóng tiền theo tháng, nấu cho chúng ăn khi chúng nhỡ bữa… Nhưng, chưa một lần cô lên bục giảng. Họ không tin những bài giảng của cô sẽ tốt cho con cái họ. Lớp học giải tán khi cây ô môi ra nhành tán thứ ba. Cũng đã ba năm từ ngày Thiên tốt nghiệp đại học. Mùa hè năm ấy, Thiên đi. Lão Bóng khóc cạn nước mắt, xách hành lý đưa tiễn Thiên tận ngoài đường một. Ôi! Chân trời thơ thới nhưng không có đường cho con gái lão bước. Lòng lão như có trăm ngàn mũi dao len lách.

Thiên theo xe tốc hành “Nam tiến” vào những ngày nắng như quăng lửa. Cô tìm đến người bà con xa, mong tìm được một việc làm ổn định. Ở đâu người ta cũng ái ngại nhìn cô:

- Cháu có hộ khẩu không? Mấy năm trước còn có thể. Bây giờ thì khó đấy, cháu à!

- Giáo viên văn thừa nhiều lắm, không xin nổi đâu! Hay là cô xin cho cháu một chân cấp dưỡng ở công trường xây dựng?

Thiên chặc lưỡi. Thôi, cứ làm tạm để có tiền mà trang trải, vừa làm, vừa tính. Thiên theo công trình đi khắp vùng Bảo Lộc, cơm nước cho một đám công nhân xây dựng hơn mười lăm người. Công việc bận tối mắt, quần quật từ sớm đến tối, không còn thời gian nghĩ ngợi. Cô được nuôi ăn, cuối tháng còn dư một ít tiền công. Ban ngày công việc buộc cô quên, nhưng khi màn đêm giăng kín, một mình trong phòng kho chất đầy vật liệu, lòng cô ngan ngác. Đám công nhân phần đa không có học, họ tốt bụng, suy nghĩ giản đơn. Đa phần đã có vợ ở quê, khi mùa màng rảnh rang thì đi làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Họ không dám trêu ghẹo vì lúc nào cô cũng tỏ ra lạnh lùng và đanh đá… Đúng tám tháng bảy ngày, Thiên bỏ công trường xây dựng lên Sài Gòn. Cô gia nhập vào dòng công nhân giày da khi tan tầm nghẽn tắc đường phố Sài Gòn để mưu sinh. Ở trọ. Làm ca. Tấm bằng đại học bảy năm mang theo bên người được Thiên cất kỹ dưới đáy rương. Sài Gòn thì không thể rồi, Thiên ơi! Mỗi lần tan ca, cô ngồi bần thần hàng giờ, nhớ cha và cây ô môi bên khúc sông quặn chảy. Bây giờ, cô không thể trở về. Cô sợ làm cho cha cô đau đớn. Cô cố gắng trụ lại, hy vọng tìm được cho mình một lối rẽ. Đồng lương công nhân giày da không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Buồn nhất là những ngày giáp tết. Mọi người đều hối hả. Xe tốc hành đông nghịt người trong những chuyến ra Bắc và vắng hoe khi vào Nam. Khu nhà trọ của Thiên cũng không còn người. Ba bốn cái tết, Thiên một mình đi ra, đi vào lối hẻm đó.

Bất ngờ, giữa mênh mông biển người, Thiên gặp lại anh. Anh đưa Thiên vào quán trà đá bên đường, hai đứa ngồi nhâm nhi từng ngụm trà đắng nghét. Anh nhìn Thiên, cười cười:

- Không xin được việc đúng không cô bé? Anh cũng thế, lăn lộn khắp nơi nhưng không kiếm được việc làm.

- Thế bây giờ anh ở đâu? Làm gì?

Thiên nhìn bộ trang phục tươm tất của anh, sốt sắng hỏi.

- Anh làm ông chủ, em có tin không?

- Tin, em tin!

Giọng Thiên đầy xúc động. Cô có cảm tưởng như mình đã tìm ra được con đường phía trước. Có lẽ anh ấy mở trường tư nuôi dạy trẻ, hoặc làm gia sư, hoặc đại loại như thế. Nhìn anh, Thiên biết anh đang thành công.

- Anh kể đi, kể hết cho em nghe đi!

- Ừ! Yên rồi anh kể!

Thiên há hốc mồm… Không! Cô không tin nổi vào những điều anh nói.

- Lúc đầu chỉ có mình anh. Thú thực với em, mỗi lần lỉnh kỉnh đồ đạc, dắt chiếc xe đạp như xe thồ ra khỏi ngõ, tim anh đập thình thịch. Khi đến được nhà gọi mình, gặp những cô gái xinh xắn ra mở cửa, rồi chỉ dẫn công việc phải làm, anh đã ước có chỗ nào để cho anh chui xuống. Lúc đầu, anh rải tờ rơi, dán quảng cáo khắp nơi. Vì họ đâu có biết mình. Trong này, những đội quân chuyên nghiệp làm việc đó không thiếu. Khó khăn của anh là phải tạo được uy tín, giá cả phải chăng. Phải mất gần hai năm, anh mới trụ vững. Khi có nhiều mối làm ăn, anh tuyển nhân viên, lập công ty riêng. Bây giờ thì em thấy đấy…!

Anh đứng dậy, nở nụ cười thật tươi và chìa bàn tay trắng trẻo, không chai sạn ra bắt tay Thiên. Thiên như thấy bừng lên trước mặt mình màu hồng đào rực rỡ của loài cây tràn đầy sức sống. Thiên gia nhập đội quân của anh, làm việc chăm chỉ gần nửa năm trời thì nằng nặc đòi về quê. Món quà anh gửi Thiên mang về là một cây ô môi. Loài cây kiêu hãnh, tràn đầy sức sống và đẹp diệu kì.

*

* *

Bên khúc sông quặn chảy, những chùm ô môi bung nụ. Bầu trời xanh đẫm, tia nắng yếu ớt, vàng heo của những ngày cuối năm hắt lên mặt sông những gợn sáng ấm áp. Thiên đã đi làm. Không có người hỏi, lão Bóng cũng nhanh nhảu:

- Nó đi làm trên phố! Ừ! Nó đã có việc để làm.

Trên chiếc xe thồ với lỉnh kỉnh đồ đạc, cô gái xinh đẹp, kiêu sa như loài hoa ô môi mỉm cười với hết thảy người làng cô gặp. Cô nhớ anh. Nhớ những gì anh đã nói.

Buổi làm việc đầu tiên của cô trong ngày là ngôi nhà ba tầng đầu phố. Bắt đầu từ phòng thờ ở tầng áp mái, đến phòng vệ sinh và phòng tắm ở tầng ba… Hôm nay đã hai bảy tết. Mùa xuân ngập tràn trong mắt Thiên. Cô vừa làm, vừa khe khẽ hát: “Tập tầm vông. Chị lấy chồng/ em ở góa. Chị ăn cá/ em mút xương. Chị nằm giường/ em nằm đất. Chị húp mật/ em liếm ve. Chị ăn chè/ em liếm bát. Chị coi hát/ em vỗ tay…”.

Cuối năm 2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast