Bồi thường bảo hiểm bắt buộc tăng lên 150 triệu đồng/người/vụ

(Baohatinh.vn) - Theo quy định mới có hiệu lực kể từ 1/3/2021, mức bồi thường về tính mạng, sức khỏe được nâng lên 150 triệu/người/vụ khi người dân mua bảo hiểm bắt buộc xe máy.

Đây là một trong những điểm thay đổi đáng chú ý nhất tại Thông tư 04/2121/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành để quy định chi tiết một số điều của Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Nghị định 03).

Tăng mức bồi thường, phí bảo hiểm giữ nguyên

Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra (tức số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho thiệt hại về người trong vụ tai nạn) được điều chỉnh tăng lên 150 triệu đồng (quy định hiện hành là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn).

Ngoài ra, mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.

Bồi thường bảo hiểm bắt buộc tăng lên 150 triệu đồng/người/vụ

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm mà tất cả các cá nhân sở hữu xe máy tại Việt Nam đều phải tham gia theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba nếu chẳng may gây thiệt hại cho họ.

Dù mức trách nhiệm bảo hiểm tăng mạnh, mức phí bảo hiểm (chưa bao gồm VAT) theo Nghị định mới vẫn được giữ nguyên: đối với xe mô tô từ 50 cc trở xuống là 55.000 đồng và 60.000 đồng đối với xe mô tô 2 bánh trên 50 cc. Đặc biệt, lần đầu tiên xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như những phương tiện cơ giới khác với mức phí 55.000 đồng.

Tối giản hồ sơ bồi thường

Trước đây, nhiều vụ bồi thường bảo hiểm bế tắc vì chủ xe/lái xe không thu thập được các tài liệu từ cơ quan công an theo quy định. Còn tại Nghị định 03, với các vụ tai nạn không gây tử vong, người tham gia bảo hiểm không cần phải thu thập tài liệu từ công an như trước mà doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại theo thống nhất với bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm. Dựa trên biên bản này, các khoản bồi thường sẽ được thanh toán ngay.

Còn với các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba, Nghị định 03 quy định doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thu thập tài liệu từ cơ quan công an, đồng thời cắt giảm 1/5 tài liệu cần thiết so với trước. Như vậy, người tham gia bảo hiểm không còn phải tự đi thu thập tài liệu để hoàn thiện hồ sơ bồi thường.

Bồi thường bảo hiểm bắt buộc tăng lên 150 triệu đồng/người/vụ

Tuy là sản phẩm bắt buộc nhưng phần lớn các chủ xe máy hiện nay chưa trang bị cho mình bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự.

Bên cạnh đó, Nghị định 03 cũng cắt giảm 2/5 tài liệu liên quan đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Quy định mới chỉ còn 3 loại tài liệu, gồm: (1) Giấy chứng nhận thương tích; (2) hồ sơ bệnh án; (3) trích lục khai tử hoặc giấy báo tử.

Việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Nạn nhân sẽ được tạm ứng tiền bồi thường trước khi nộp đủ hồ sơ

Đặc biệt, Nghị định 03 cũng đưa ra các quy định về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn.

Theo đó, để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Cụ thể, trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng). Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).

Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng) và 10% mức trách nhiệm bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 15 triệu đồng).

Quy định này được đánh giá có tác động rất tích cực đối với đối tượng tham gia giao thông và tác động về mặt xã hội. Cụ thể, tất cả các bên liên quan đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản; chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo tăng mạnh

Một phần doanh thu từ loại hình bảo hiểm bắt buộc xe máy sẽ được sử dụng cho mục đích chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông. Các doanh nghiệp sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Quỹ này được quản lý bởi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (www.iav.vn) và quỹ sẽ trực tiếp chi hỗ trợ nhân đạo sau khi nhận được thông tin và hồ sơ vụ việc.

Theo Điều 27 Nghị định 03/2021, nguồn quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được sử dụng vào mục đích hỗ trợ nhân đạo trong các trường hợp sau:

- Không xác định được xe gây tai nạn.

- Xe không tham gia bảo hiểm.

- Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.

Nếu nằm trong 3 trường hợp này, Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới sẽ chi 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng); 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/ 1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng) đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast