Mỹ dùng lá bài trừng phạt đẩy Nga ra khỏi ván cờ năng lượng châu Âu?

Theo tờ Forbes, mục đích của họ là mục đích kép: Ngăn chặn Tây Âu khỏi bị lệ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga, đồng thời làm giảm đòn bẩy kinh tế của Nga ở Đông Âu.

Sự khác biệt là rất quan trọng: Nếu mục đích là để khiến Tây Âu không còn chịu nhiều tác động về năng lượng Nga thì châu Âu chỉ cần không mua nữa. Phương Tây hoàn toàn có khả năng chọn một nhà cung cấp nhiên liệu khác và trong khi đó phương Tây cũng coi Mỹ là một đối tác đáng tin cậy để đa dạng hóa các nguồn khí đốt tự nhiên của họ và đang xây dựng các thiết bị đầu cuối tiếp nhận LNG. Các đối tác năng lượng khác của phương Tây cũng có thể là Na Uy, Algeria, Qatar và Nigeria.

Lời lẽ hiên ngang của Washington

"LNG thường là lựa chọn có giá thấp hơn nhờ vào nguồn cung mạnh mẽ, theo ông Michael Stoppard, chiến lược gia trưởng về khí đốt toàn cầu của IHS Markit INFO. Trong khi nhà cung cấp dầu chính cho châu Âu như Nga đang chọn không sản xuất dầu ồ ạt nữa thì LNG lúc này là một lựa chọn lâu dài khi đối mặt với nhu cầu sử dụng giảm.

Mỹ dùng lá bài trừng phạt đẩy Nga ra khỏi ván cờ năng lượng châu Âu?

Mỹ đang chỉ trích các dự án năng lượng của Nga tới châu Âu. Ảnh minh họa: AP.

Theo tờ Forbes, sẽ rất khác biệt nếu Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế làm vũ khí. Vấn đề là đường ống Nord Stream 2 của Nga - đồng hành với đường ống Nord Stream 1 - không chỉ cho phép Nga tăng gấp đôi công suất khí đốt tự nhiên tới châu Âu mà còn cho phép họ giáng đòn nặng vào đối thủ Ukraine, một tác động đáng kể đến vùng Đông Âu. Nord Stream 2, trị giá 10.5 tỷ USD, thuộc sở hữu của Gazprom và là một dự án trải dài 745 dặm từ các mỏ khí của Nga đến bờ biển Baltic của Đức. Trong khi Hoa Kỳ nói rằng Nga thiếu công nghệ để hoàn tất việc lắp đặt đường ống thì Moscow nói rằng họ sẽ hoàn thành nó vào năm 2021.

Nga hiện cung cấp 39% lượng khí đốt tự nhiên của Châu Âu còn Hoa Kỳ chỉ chiếm 3,5%, mặc dù 1/3 sản lượng LNG của Hoa Kỳ đã đến Liên minh châu Âu từ tháng 1 - tháng 11/ 2019, Ủy ban châu Âu cho biết.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz, người dẫn đầu đề xuất các biện pháp trừng phạt vào Moscow, có hiệu lực vào tháng 12/2019, nói rằng Nord Stream 2 là một nước cờ “song bại”: Thứ nhất, việc mua năng lượng của Nga sẽ giúp Nga có tiền trong các mục tiêu tăng cường sức mạnh và thứ 2, giúp Moscow đối phó Ukraine bằng cách khiến Ukraine không có tiền để vận hành đất nước. Kiev cũng đã lên tiếng chỉ trích Moscow về dự án này.

“Một điều tốt cho châu Âu là dựa vào năng lượng từ Hoa Kỳ hơn là hỗ trợ ông Putin và Nga cũng như phụ thuộc vào Nga và chịu sự tống tiền về kinh tế”, ông Cruz nói hồi tháng 12 năm ngoái khi lệnh trừng phạt Nord Stream 2 được thông qua. Các biện pháp trừng phạt này cũng được áp dụng đối với các nhà thầu xây dựng, tài chính có liên quan đến dự án. Vào thời điểm đó, nhà thầu Allseas của Thụy Sĩ đã ngừng tham gia dự án, trong khi các bên góp vốn khác, Shell Oil và Engie – bối rối trước những động thái của Washington.

Mục đích khác?

Nhưng ông Cruz có một động cơ thầm kín: ông đến từ một quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên và đang cần tăng doanh số bán hàng sang châu Âu - đặc biệt là lúc này. Việc nhu cầu sụt giảm cùng với tình trạng thừa cung đồng nghĩa với việc giá năng lượng giảm và mất việc làm.

Lệnh trừng phạt Nord Stream 2 đang giúp Mỹ tiến vào thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu và cũng kéo theo hiệu ứng đẩy Nga vào bàn đàm phán với Ukraine. Vào cuối năm 2019, hai nước chính thức nhất trí về hợp đồng chuyển khí đốt Nga đi qua Ukraine và vào châu Âu. Đó là một thỏa thuận trị giá 7 tỷ đô la kéo dài 5 năm.

Trong khi đó, với trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào, Hoa Kỳ đã trở thành nhà xuất khẩu ròng LNG kể từ năm 2017. Sự ủng hộ của ông Donald Trump đối với việc đưa nước Mỹ vươn lên dẫn đầu ngành năng lượng toàn cầu cũng đang thúc đẩy các chiến lược xuất khẩu dầu đá phiến của nước này ra khắp thế giới.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ LNG hiện tại rất thấp, Neil Hayejee, chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ nói trong một cuộc trò chuyện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức. “Dù vậy, các công ty của Hoa Kỳ đang cố gắng bảo đảm duy trì các hợp đồng dài hạn và Mỹ hiện vẫn là nhà xuất khẩu năng lượng ròng. Điều này có lợi ích tích cực về kinh tế và địa chính trị: Mỹ là một lựa chọn thay thế cho Nga và có lợi cho các đồng minh của chúng tôi. Nhu cầu năng lượng sẽ lại hồi sinh”.

Các thị trường lớn nhất ở châu Âu của Mỹ là Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Nhưng Đức mới là nước có khả năng sinh lợi nhất khi đang trong quá trình đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân và than. Đức có mục tiêu thay thế phần lớn năng lượng đó bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trước khi điều đó có thể xảy ra, họ sẽ tìm đến khí tự nhiên để lấp đầy khoảng trống.

Trong khi đó, Đức đang rất tức giận với người Mỹ, nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Nga.

Liên minh châu Âu sẽ xây dựng một mạng lưới đa dạng các cung cấp khí đốt tự nhiên dù có hoặc không có lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ về Nord Stream 2. Ở Tây Âu, các hình phạt này chủ yếu được nhìn nhận là có phần nặng tay còn ở Đông Âu, và cụ thể là Ukraine, các lệnh trừng phạt được xem như một cái búa - một cơ chế để đưa Nga vào bàn đàm phán.

Vấn đề địa chính trị là rất phức tạp nhưng có một điều là: nếu Hoa Kỳ muốn tăng cường tiếp cận thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu, họ sẽ phải dựa vào giao thương tự do chứ không phải các biện pháp cưỡng chế.

Theo Tổ quốc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast