Lực lượng CSGT ĐB - ĐS Công an Hà Tĩnh: Xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ cứu nước

Trong khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 và Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2010) và 5 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2010), lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh vinh dự tự hào đón nhận Quyết định số 227/QĐ-CTN của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Thượng tá Bùi Đình Quang - Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh

Thượng tá Bùi Đình Quang
Thượng tá Bùi Đình Quang

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh trở thành "Tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, hậu phương của tiền tuyến miền Nam". Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường sông đan xen nhau. Đặc biệt phà Bến Thủy, phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc, đèo Ngang, đường chiến lược 21, 22 là những tuyến đường độc đạo, là yết hầu, cửa tử để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường. Lợi dụng địa thế đó, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt bằng không quân, từ năm 1965 - 1972 bình quân mỗi người dân Hà Tĩnh phải hứng chịu 550kg bom đạn.

Với khẩu hiệu "Địch phá, ta sửa ta đi" CBCS cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh luôn bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, nhà ga, bến phà để chỉ huy, hướng dẫn, điều hòa giao thông, đảm bảo mạch máu thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân cầu, phà và nhân dân sửa chữa đường, bắc cầu, rà phá bom nổ chậm, mở đường, thông tuyến cho tàu và xe qua lại an toàn. Tổ chức các đội ứng cứu giao thông, các Trạm phòng không nhân dân. Tại Ngã ba Đồng Lộc, tiểu đội Cảnh sát bảo vệ giao thông có sáng kiến hướng dẫn lái xe dùng đất đỏ pha nước quét lên thành xe cho phù hợp với màu đất, địa hình, tránh địch phát hiện mục tiêu nên đã hạn chế thiệt hại về người và tài sản, phối hợp với Ban Công an xã trên các tuyến và địa bàn trọng điểm phát động nhân dân tham gia công tác bảo vệ giao thông, thành lập hàng trăm đội xung kích giao thông, đào công sự, giao thông hào, hầm trú ẩn, ngụy trang phương tiện…

Từ 1965 - 1972 cán bộ chiến sỹ phòng CSGT đã trực tiếp chiến đấu trên 2.000 trận, bảo vệ trên 60 kho hàng, bến bãi, với hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn được, thuốc men; đào bới được 450 người bị sập hầm; cấp cứu trên 3.200 người bị thương; cứu được trên 200 tấn xăng dầu, trên 1.600 phương tiện ra khỏi nơi địch đánh phá. Hướng dẫn cho hàng triệu lượt phương tiện chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, bộ đội, các cháu học sinh đi sơ tán an toàn. Đã đưa đón, bảo vệ trên 100 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và 15 đoàn khách quốc tế (trong đó có đồng chí Fidel Castrô của CuBa, vào, ra chiến trường qua đất Hà Tĩnh đảm bảo an toàn tuyệt đối). Rà phá được 585 quả bom từ trường, gần 100 quả thủy lôi trên các tuyến đường, bến phà. Đã vận động và phối hợp với nhân dân đào đắp 5000 hầm trú ẩn hai bên đường, 800 hầm lớn để dấu hàng chục nghìn lượt phương tiện và hàng hóa; đồng thời bảo vệ tốt tài sản trên đường vận chuyển, phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ trộm cắp tài sản, hàng hóa.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Công an Hà Tĩnh nói chuyện với CBCS CSGT trước khi lên đường làm nhiệm vụ
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Công an Hà Tĩnh nói chuyện với CBCS CSGT trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Tháng 5 năm 1965, 3 đồng chí CSGT cùng đồng chí Trần Quang Đạt - Chủ tịch UB Hành chính Hà Tĩnh vào Quảng Bình để bảo vệ và đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường ra. Khi qua phà Sông Rác, thuộc địa phận Hà Tĩnh, phà ra đến giữa sông thì đột nhiên máy bay địch đến thả pháo sáng và ném bom. Trước tình hình tiến thoái lưỡng nan, không có cách gì khác, cả 3 đồng chí CSGT đã vây quanh đồng chí Nguyễn Chí Thanh che chở đạn và cho phà tiếp tục sang sông. Khi về đến Hà Nội an toàn, Đại tướng đã gửi điện vào biểu dương tinh thần mưu trí dũng cảm dám hy sinh của CSGT Hà Tĩnh.

Năm 1967 địch đánh phá xã Xuân Giang, Nghi Xuân nơi có hàng trăm xe chở đầy hàng của C8 đang cất dấu, có xe bốc cháy. Đồng chí Lê Ngọc Bảy, chiến sỹ CSGT phân đội Bến Thủy đã nhanh chóng lao vào lái xe đang cháy ngùn ngụt ra khỏi mục tiêu nhằm đánh lạc hướng kẻ địch. Tạo điều kiện cho 07 đồng chí CSGT trong phân đội đã chỉ huy, hướng dẫn cho gần 100 xe của đoàn đến nơi trú ẩn an toàn.

Tháng 5 - 1968 tại khu vực phà Linh Cảm địch cho máy bay thả xuống gần 100 quả thủy lôi từ trường. Tổ CSGT Bến phà đã có sáng kiến vào rừng chặt tre, nứa và dùng tre, nứa làm phao bao vây khu vực thủy lôi, đồng thời phối hợp công binh đoàn 559 tổ chức rà phá, chỉ sau 01 ngày đã rà phá hết gần 100 quả thủy lôi, phà lại sang sông, các đoàn xe tiếp tục ra chiến trường. Đặc biệt, tổ CSGT ở đường 21 do đồng chí Dương phụ trách, khi phát hiện địch thả bom từ trường, không để giao thông bị tắc, các đồng chí đã sáng kiến đục thùng phuy, đào hầm trú ẩn, dùng dây kéo đi kéo lại để gây hút từ trường, bom nổ.

Ngày 2/9/1968 đồng chí Nguyễn Đức Chơn, chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ tại phà Cầu Họ. Khi đồng chí Chơn và các đồng chí trong tổ đang tập trung giải phóng khoảng 50 xe hàng ở hai bên bến phà khỏi khu vực địch đánh phá thì có một phụ nữ sinh một cháu gái ngay trên chuyến phà. Đồng chí Chơn đã không ngần ngại cởi áo cảnh sát ủ cho cháu, cắt rốn băng bó cho cháu. Thấy tình hình sức khỏe hai mẹ con quá yếu, đồng chí Chơn quyết định cõng cả 2 mẹ con chạy bộ 12km đến trạm xá của đại đội TNXP ở Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên cấp cứu. Sau đó đồng chí còn vận động chị em TNXP, công nhân giao thông quyên góp quần áo, tiền gạo chăm sóc hai mẹ con bình an mạnh khỏe.

Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc hướng dẫn xe qua trọng điểm. Ảnh : Tư liệu
Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc hướng dẫn xe qua trọng điểm.

Ảnh : Tư liệu

Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của các tuyến đường từ Bắc vào đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến đấu ở địa bàn ác liệt này là tiểu đội CSGT Đồng Lộc gồm 11 đồng chí đã kiên cường bám trụ, ngày đêm bám đất, bám đường, nhiều lần vượt qua bãi bom từ trường, bom nổ chậm, hướng dẫn cho từng đoàn xe ra mặt trận. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn, tiểu đội trưởng đã cùng một số đồng chí khác chấp nhận hy sinh chạy qua bãi bom từ trường để ngăn cản, hướng dẫn cho hàng trăm xe vào đường tránh đi qua trọng điểm an toàn.

Năm 1971 - 1972 tổ CSGT Kỳ Lâm thuộc Trạm CSGT Kỳ Anh có 4 đồng chí do đồng chí Nguyễn Viết Thiệm phụ trách làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường 22 và bảo vệ 4 kho hàng quân sự trên địa bàn 3 xã. Địch tập trung đánh phá ác liệt, máy bay B52 ngày đêm rải thảm. Trước tình hình vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, tổ CSGT đã sáng tạo nghiên cứu thực tiễn tuyến Rào Trổ có thuận lợi, nước to, lưu tốc lớn, địa hình miền núi nhiều cây cối hai bên, máy bay địch khó phát hiện. Từ suy nghĩ đó tổ đã đề xuất cấp trên cho vận chuyển gạo K4, bằng cách kết bè thả trôi trên sông Rào Trổ. Kết quả trong 2 năm 1971 - 1972 đã cùng cán bộ trung chuyển ngày đêm vật lộn với bom đạn, sông nước, bám trụ trên từng chuyến bè, vận chuyển được hàng chục nghìn tấn lương thực... chi viện cho chiến trường mà kẻ địch không tài nào phát hiện ra để đánh phá. Sáng kiến này của tổ, sau này còn được phổ biến để vận chuyển trên một số tuyến sông khác và ven biển địa bàn Hà Tĩnh góp phần quan trọng phá thế độc tuyến, bao vây, phong tỏa của địch trên các tuyến giao thông.

Năm 1972, địch liên tục ném bom xuống địa bàn xã Gia Phố, Hương Khê nơi tập trung nhiều đồng bào sơ tán. Dự đoán sẽ xẩy ra thương vong và thiệt hại lớn, 3 đồng chí CSGT thị trấn do đồng chí Tường phụ trách đã chạy bộ 4km đến địa bàn kịp thời lao vào tìm kiếm, đào bới cứu được 20 người bị sập hầm đưa đi cấp cứu. Tháng 8 - 1972 Mỹ cho máy bay B52 tập trung ném bom rải thảm khu vực Bãi Vọt là bãi để hàng hóa và cất dấu hàng trăm phương tiện. Tổ CSGT gồm 05 đồng chí do đồng chí Võ Đình Đường phụ trách đang ở hầm quan sát, bỗng có tiếng kêu cứu và lửa bốc lên nơi cất dấu xe, anh em trong tổ đã lao đi trong làn bom B52 xông vào đào bới tìm kiếm được 6 người sập hầm, băng bó cho 10 người bị thương, dùng đất, cát, quần áo lao vào dập tắt đám cháy và hướng dẫn cho cả đoàn xe ra khỏi nơi địch đánh phá. Trong trận chiến đấu ấy 2 đồng chí: Tăng Bá Bình và Trần Xuân Điểm đã anh dũng hy sinh.

Tháng 7 - 1972 địch cho 26 máy bay F4 liên tục dội bom xuống kho xăng Gia Lách và khu vực nam phà Bến Thủy. Lúc này có 120 xe đang đỗ chờ qua phà, 03 đồng chí CSGT phân đội Bến Thủy vẫn bình tĩnh lợi dụng pháo sáng của địch tổ chức hướng dẫn, điều hòa cho xe đi sơ tán. Đồng thời, phối hợp với dân quân xông vào các bể xăng đang cháy, dùng cát, chăn, màn, quần, áo dập tắt đám cháy, cứu được 16 người dân bị thương.

Quá trình công tác, lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu: Tập thể phòng CSGT được Nhà nước tặng Huân chương Quân Công hạng ba (1990), Huân chương Chiến công hạng ba (1995) và nhiều bằng khen của Chính Phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh. Từ năm 2000 đến nay liên tục đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, bình quân hàng năm 97% đảng viên trong Đảng bộ đạt đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều đồng chí được các cấp khen thưởng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng lực lượng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Phòng CSGT và các đơn vị trực thuộc đã được Nhà Nước tặng thưởng 2 huân chương chiến công hạng nhất, 2 huân chương chiến công hạng Nhì, hàng chục bằng khen của Chính phủ, Bộ Công An, Ủy Ban Hành Chính Tỉnh. 8 năm liên tục (1968-1975) đạt danh hiệu đợn vị quyết thắng, Đảng bộ vững mạnh toàn diện. Tiêu biểu tiểu đội CSGT ngã 3 Đồng Lộc, trạm CSGT Kỳ Anh và cá nhân đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2 đồng chí hy sinh anh dũng được công nhận liệt sĩ, được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhì; 15 lượt chiến sĩ được tặng huân, huy chương các loại; 4 đồng chí được tặng huy hiệu Bác Hồ. 70 cán bộ chiến sĩ được Bộ Công An, Ủy Ban Hành Chính Tỉnh tặng bằng khen, 60-70% được trưởng ty Công An tặng giấy khen. 100% cán bộ chiến sĩ đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, nhiều đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. Trong 10 năm không có cán bộ chiến sĩ bị xử lý kỷ luật.

Có thể khẳng định rằng, chiến công trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước là một mốc son của lực lượng CSGT Hà Tĩnh. Để viết lên trang sử vẻ vang đó, ngoài lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm, không quản ngại hi sinh gian khổ ngày đêm bám đất, bám đường của mỗi một cán bộ chiến sỹ CSGT, sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, hiệu quả giữa CSGT với các lực lượng khác như Quân đội, Công an xã...và sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của nhân dân còn có sự quan tâm chỉ đạo một cách sâu sắc, trực tiếp, toàn diện, sáng suốt và đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của Bộ Công an và của Công an tỉnh đối với các mặt công tác CSGT. Điều này được thể hiện từ việc thành lập Phòng CSGT tách ra từ Phòng Cảnh sát nhân dân để có lực lượng chuyên trách đảm nhiệm công tác bảo đảm giao thông trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, đến việc chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ trong các giai đoạn lịch sử cụ thể cũng như việc động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tập thể và cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu để khích lệ tinh thần của CBCS...

Đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, phát huy truyền thống vẻ vang trong những tháng năm đánh Mỹ, phòng CSGT lại bắt tay vào cuộc chiến đấu mới và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển sản xuất, ổn định đời sống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

CSGT Công an Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên QL 8A
CSGT Công an Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên QL 8A

Với chức năng nhiệm vụ được giao, đơn vị liên tục duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, tham mưu và triển khai nhiều biện pháp công tác, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm minh sai phạm, tạo chuyển biến mới về ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đề ra nhiều chủ trương và giải pháp quản lý giáo dục cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm túc các đề án về phòng chống tiêu cực trong tuần tra kiểm soát, đăng ký quản lý phương tiện, cải cách lề lối và tác phong làm việc, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân trong quan hệ tiếp xúc, đăng ký, xử lý vi phạm... Đến nay, ý thức chấp hành pháp luật của người dân Hà Tĩnh được nâng lên, tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT ngày càng được kiềm chế, đẩy lùi. Trong quá trình công tác, nhiều tổ, đội và cá nhân trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Vì ANTQ và phong trào thực hiện cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ", góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cảnh sát giao thông, liêm khiết, tận tụy, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.

Những truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước đang tiếp nối trong mạch quản của những chiến sỹ CSGT Công an Hà Tĩnh và nhân lên gấp bội khi Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đơn vị đang ngày đêm đảm bảo giao thông thông suốt và bảo vệ bình yên cho những tuyến đường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast