Bệnh dại đang quay trở lại

(Baohatinh.vn) - 2 năm lại đây, bệnh dại đã xuất hiện trở lại Hà Tĩnh và gây tử vong đối với người. Vậy nhưng, công tác phòng chống bệnh dại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ khâu tiêm phòng cho chó đến cách thức xử lý của người dân khi bị chó, mèo cắn, cào.

Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9:

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2013 đến nay, Hà Tĩnh đã có 4 người chết vì bệnh dại. Các bệnh nhân tử vong đều do chủ quan, bị chó cắn nhưng không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.

Bệnh dại đang quay trở lại ảnh 1
Nhân viên Trung tâm YTDP tỉnh tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người bị chó nghi dại cắn

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Dịch tễ Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết: “Về nguyên tắc, người bị chó cắn phải tuân thủ các biện pháp dự phòng. Tuy nhiên, người dân còn quá chủ quan trong khi hoạt động giám sát của y tế chưa thể phát hiện kịp thời...”.

Tiêm phòng cho chó, mèo và tiêm phòng cho người bị chó, mèo cắn, cào ngay sau đó là hai biện pháp duy nhất để phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêm phòng còn gặp không ít khó khăn. Theo bác sỹ Nguyễn Chí Trung, kể từ khi ngành Y tế công bố thanh toán được bệnh dại thì nguồn kinh phí dành cho hoạt động này không còn. Ngành chủ yếu thực hiện lồng ghép với các chương trình khác, không có chiến dịch truyền thông dành riêng cho phòng, chống bệnh dại.

Trong số những người đến tiêm phòng, có không ít người đến vì “thầy lang nói là bị dại nên mới đến tiêm phòng”. Chị N.T.V, ở Thạch Châu (Lộc Hà) cho biết: “Tôi có ông cậu đã mất vì bệnh dại, vì vậy khi bị chó cắn tôi đã rất lo sợ. Tôi đã đến thầy lang ở Thạch Mỹ khám nhưng thầy bảo không bị dại. Cứ nghĩ đến cái chết của cậu, tôi không yên tâm nên đến Trung tâm YTDP tỉnh để được tư vấn. Sau khi được cán bộ y tế tư vấn, giải thích, tôi đã đăng ký tiêm phòng, giờ thì thực sự đã thấy yên tâm.”

Chị V. cũng cho biết, người dân trong vùng chủ yếu đến thầy lang để khám, nếu thầy “phán” bị dại lúc đó mới đi tiêm phòng.

Chị Lê Hà Giang - Phó Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Những năm trước, Chi cục chủ yếu thực hiện tiêm phòng một đợt/năm và thường tổ chức tiêm vào đợt 1. Nhưng năm nay, việc tiêm phòng chó được chỉ đạo quyết liệt hơn. Trong đợt 2, Chi cục Thú y tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức tiêm bổ sung triệt để cho số chó chưa được tiêm phòng, đặc biệt, tại các địa phương tiêm phòng đợt 1 đạt tỷ lệ thấp.”

Đến thời điểm này, một số địa phương đạt kết quả tiêm phòng chó khá tốt như thị xã Hồng Lĩnh (đạt 92,6%), Kỳ Anh (97,7%), Hương Sơn (83,5%), Đức Thọ (82,4%). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương tỷ lệ rất thấp như: Lộc Hà 37,9%, Nghi Xuân 33%, Thạch Hà 21,6%. Đặc biệt, đối với Can Lộc, địa phương có người tử vong do bệnh dại trong thời gian gần đây nhưng tỷ lệ tiêm phòng chó lại thấp nhất tỉnh, mới chỉ 21%.

Ông Phạm Đào Tịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Thú y huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Cẩm Xuyên là một trong hai huyện có người tử vong do bệnh dại nên địa phương rất quyết liệt trong việc tổ chức tiêm phòng chó. Huyện đã tập hợp cán bộ thú y trong từng cụm và tổ chức tiêm theo hình thức cuốn chiếu nhưng đến thời điểm này cũng chỉ mới đạt trên 70% kế hoạch.”

Mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng đến thời điểm này việc tiêm phòng dại cho chó vẫn chưa đạt được yêu cầu tối thiểu (tỷ lệ tiêm phòng đạt 80%/tổng đàn) và đàn chó vẫn chưa được quản lý. Và chính điều này đang tạo điều kiện cho bệnh dại quay trở lại, đe dọa tính mạng và sức khỏe người dân.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây ra ở động vật và lây sang người. Nguồn truyền nhiễm chủ yếu là từ chó mắc bệnh dại. Khi mắc bệnh dại, nếu không tiêm phòng thì gần như tất cả bệnh nhân đều tử vong.

Ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 55 nghìn đến 60 nghìn người chết do bệnh dại. Theo tổ chức Y tế thế giới, nếu không điều trị dự phòng, con số tử vong có thể lên tới 300 nghìn người/năm. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast