Giải ngân vốn ODA: Bước đột phá mới

9 tháng qua, vốn ODA giải ngân tăng 10% so với cùng kỳ, đây được xem là kết quả đột phá trong hoàn cảnh hiện tại Nhật Bản vẫn là đối tác quan trọng với nhiều dự án ODA lớn được ký kết.

Giải ngân vốn ODA trong lĩnh vực giao thông có chiều hướng khả quan

Giải ngân vốn ODA trong lĩnh vực giao thông có chiều hướng khả quan

Hơn 4 tỷ USD vốn ODA được giải ngân

9 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân các dự án ODA tại Việt Nam đã đạt 4,105 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, vốn vay là 4,015 tỷ USD và vốn viện trợ không hoàn lại là 90 tỷ USD. Riêng tháng 9/2014 có 350 triệu USD vốn ODA được giải ngân, trong đó vốn vay là 340 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại là 10 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có được kết quả giải ngân vốn ODA khả quan từ đầu năm đến nay là do tác động của một số biện pháp tăng cường công tác vận động giải ngân và phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Cụ thể là Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA ngày 29/3/2014 giữa Ban chỉ đạo quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi phối hợp với nhóm 6 ngân hàng phát triển bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Thế giới (WB); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank). Tại đây, các đại biểu đã chỉ ra những thách thức trong việc triển khai các dự án ODA, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, bao gồm các nhóm giải pháp về điều hành chính sách, thực thi chính sách, công tác giám sát và thực thi dự án, công tác liên quan đến quản lý dự án, bố trí vốn đối ứng và công tác đền bù giải phóng mặt bằng…

Chính phủ Việt Nam cũng đã phối hợp với WB, Chính phủ Nhật Bản và ADB tổ chức các cuộc họp, rà soát các dự án chậm giải ngân trong năm 2014, từ đó tìm ra những dự án cần tháo gỡ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ cho những chương trình, dự án chậm tiến độ, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Nhật Bản vẫn là đối tác quan trọng

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA được ký kết trong 9 tháng đầu năm đạt 3,519 tỷ USD, trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác ODA quan trọng của Việt Nam với nhiều dự án ODA lớn được ký kết như: Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC 2) trị giá 147,60 triệu USD; dự án xây dựng Nhà máy điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải trị giá 351,11 triệu USD; dự án xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam đoạn Đà Nẵng- Quảng Ngãi trị giá 295,29 triệu USD.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: ODA Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật Bản, Chính phủ hai nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trong đó thể hiện rõ quyết tâm trong việc phòng ngừa tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA.

Ngoài các dự án của Nhật Bản, 9 tháng đầu năm còn có một số chương trình, dự án ODA lớn của các đối tác khác được ký kết như: Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam trị giá 251,7 triệu USD do WB tài trợ; dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê kông do ADB tài trợ 410 triệu USD và Úc viện trợ không hoàn lại 160 triệu USD...

Theo Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast