Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên 3%

Quyết định điều chỉnh kép được Ngân hàng Nhà nước công bố trong bối cảnh nhân dân tệ phá giá mạnh nhất trong hai thập kỷ qua.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng nay công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ mức 21.673 đồng đổi một đôla lên 21.890 VND (tương đương tăng 1%), đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Đây là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Trung Quốc muốn phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Hôm 12/8, một ngày sau khi Trung Quốc giảm giá kỷ lục đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 1% lên 2%.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng là tham chiếu cho các giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng được phép ấn định mức mua vào, bán ra hay chuyển khoản xoay quanh biên độ Ngân hàng Nhà nước khống chế là +/-3%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 21.890 đồng mà Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay và biên độ +/-3%, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại sẽ không thấp hơn 21.233 đồng và không cao hơn 22.547 đồng một đôla Mỹ.

Trên thị trường ngoại tệ, các nhà băng đã đồng loạt tăng mạnh tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng 1% tỷ giá và nới thêm biên độ từ 2% lên 3%. Tại Vietcombank, tỷ giá mua bán tăng 275 đồng so với hôm qua lên 22.280 - 22.380 đồng đổi một đôla. Eximbank còn tăng mạnh hơn, lên 22.250 - 22.245 đồng. Techcombank để giá mua vào ở 22.200 đồng nhưng bán ra ở 22.480 đồng, cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác.

Đôla Mỹ trên thị trường tự do sáng nay vọt lên 22.450 đồng sau tín hiệu điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng của nhà điều hành. Các điểm thu đổi ngoại tệ cho biết mỗi đôla sáng nay tăng vọt hơn một trăm đồng. Giá tăng nhưng giao dịch chưa nhiều bởi các điểm thu đổi cho biết đây là thời điểm nhạy cảm, người dân và nhà đầu tư chưa vội tham gia mua bán.

Thông tin tăng tỷ giá và nới biên độ ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và giá vàng. Vn-Index sau khi tăng mạnh vào hôm qua đã quay đầu đi xuống, cổ phiếu ngân hàng mất giá hàng loạt. Giá vàng miếng SJC mở cửa tăng trên dưới 100.000 đồng mỗi lượng, nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin, đã tăng gần một triệu đồng so với hôm qua.

Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên 3% ảnh 1

Tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla tăng trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Q.H.

Trong thông cáo phát đi sáng nay, Ngân hàng Nhà nước lý giải phải nới biên độ tỷ giá trong ngày 12/8 để ứng phó với việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo cơ quan này, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất đồng đôla vào tháng 9 tới.

Vì vậy quyết định điều chỉnh kép sáng nay được Ngân hàng Nhà nước lý giải "nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới" và nhận định "tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam".

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Tuần trước, sau gần 10 năm duy trì cơ chế tỷ giá neo đậu đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ, Trung Quốc bất ngờ chuyển sang cơ chế thả nổi. Trong 3 ngày liên tiếp 11-13/8, nhân dân tệ giảm giá tổng cộng 4,6% so với đồng đôla Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu suy giảm, nhà đầu tư nước ngoài suy giảm niềm tin và rút vốn khỏi thị trường chứng khoán. Làm cho đồng nhân dân tệ rẻ đi so với đôla là cách Trung Quốc sử dụng để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới, một kiểu trợ giá trá hình mà các nước phương Tây thường xuyên phản đối.

Diễn biến này cũng tác động trực tiếp tới Việt Nam - nước láng giềng và đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu 19 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 4,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Cả năm ngoái, con số nhập siêu là 29 tỷ USD. Không chỉ cạnh tranh trong quan hệ thương mại song phương, hàng hóa Trung Quốc còn gây sức ép đáng kể với Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trao đổi với VnExpress tuần trước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhận định tỷ giá chỉ là một nguyên nhân không lớn trong vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, áp lực cạnh tranh với thương mại của Việt Nam nói chung gia tăng, thì cũng không vì đã cam kết giữ mức tăng 2% mà phải cứng nhắc không nới biên độ hay tăng tỷ giá thêm nữa.

"Cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta, và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này", ông Phước nói.

Theo ông, cần theo dõi thêm phản ứng của thế giới và xem Trung Quốc để từ đó có đối sách phù hợp. "Một trong những đối sách phù hợp là đừng vì đã cam kết mà không nghĩ tới việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà không dám mở rộng biên độ thêm nữa", ông nói thêm.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá từ 21.246 đồng hiện nay lên 21.458 đồng. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá cũng tăng 1%, lên 21.673 đồng. Như vậy, sau 2 lần nới biên độ và 3 lần tăng tỷ giá, tỷ giá trên thị trường đã được phép tăng thêm 5%. Đầu năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết ổn định tỷ giá trong mức tăng không quá 2%.

Theo VnExpress

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá vàng thế giới "rơi" thẳng đứng

Giá vàng thế giới "rơi" thẳng đứng

Giá vàng thế giới "bốc hơi" gần 70 USD ngay phiên đầu tuần, sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố đã đạt được thoả thuận tạm hoãn thuế trong vòng 90 ngày.
Rộn ràng mùa dưa ở Việt Tiến

Rộn ràng mùa dưa ở Việt Tiến

Những ngày này, nông dân xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang vào mùa thu hoạch dưa các loại. Không khí thu hoạch trên các cánh đồng dưa luôn rộn ràng, tấp nập báo hiệu mùa bội thu.
Nhanh tay "hồi sức" lúa bị đổ ngã do mưa gió

Nhanh tay "hồi sức" lúa bị đổ ngã do mưa gió

Tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước khỏi ruộng, buộc những diện tích bị đổ ngã… là những giải pháp mà nông dân Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai, với hy vọng giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về năng suất cuối vụ.
Tài chính thị trường ngày 12/5: Nở rộ trào lưu đầu tư bạc thỏi

Tài chính thị trường ngày 12/5: Nở rộ trào lưu đầu tư bạc thỏi

Với chi phí thấp hơn vàng, dễ tiếp cận và tiềm năng tăng giá, bạc miếng và bạc thỏi đang trở thành lựa chọn tích sản mới, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/5 của Báo Hà Tĩnh.
Giá vàng hôm nay 12/5/2025: Vẫn ở mức cao

Giá vàng hôm nay 12/5/2025: Vẫn ở mức cao

Giá vàng hôm nay 12/5/2025: Giá vàng tiếp tục được điều chỉnh vào tuần trước. Nhiều ý kiến cho rằng, dù đà tăng của vàng có thể sẽ bị hạn chế trong tuần này, nhưng giá vẫn sẽ ở mức cao.
Giá vàng hôm nay 10/5/2025: Giá vàng tăng khi đồng USD yếu

Giá vàng hôm nay 10/5/2025: Giá vàng tăng khi đồng USD yếu

Giá vàng hôm nay 10/05/2025: Giá vàng đã tăng hơn 1%, khi đồng USD giảm nhẹ, trong bối cảnh thị trường đang phản ứng với những phát biểu mới nhất về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc gặp cuối tuần giữa Mỹ và Trung Quốc.
Không khí khẩn trương trên các công trường lớn ở Hà Tĩnh

Không khí khẩn trương trên các công trường lớn ở Hà Tĩnh

Với quyết tâm “tăng tốc về đích”, các dự án hạ tầng tại Hà Tĩnh đang được triển khai rốt ráo. Cùng với sự chủ động của nhà thầu và điều kiện thời tiết thuận lợi, tiến độ thi công đang được đảm bảo, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.