Nga triển khai Iskander-M đáp trả Mỹ

Theo Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), đến năm 2019, Nga sẽ hoàn thành triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M dọc biên giới với các nước NATO.

Ông Mikhail Barabanov, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của CAST đánh giá: "Theo các thông tin thu thập được, việc triển khai Iskander tại vùng Kaliningrad chắc chắn sẽ được thực hiện và hoàn thành trước khi kết thúc năm 2019".

Triển khai tên lửa Iskander-M là động thái mới nhất nhằm hiện thực hóa tuyên bố Nga sẽ đáp trả việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania vừa qua, chuyên gia Barabanov cho biết thêm.

Phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi đã nói ngay từ khi chuyện này bắt đầu rằng, khu phòng thủ tên lửa này là một mối đe dọa với Nga. Chúng tôi vẫn cần một câu trả lời thích đáng về vấn đề này. Những biện pháp đáp trả ở mức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho Nga là điều sẽ được thực hiện".

nga trien khai iskander m dap tra my

Tên lửa đạn đạo Isakander-M.

Trong khi đó, ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu bộ phận chuyên trách về chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: "Quyết định của Mỹ có hại và sai lầm vì nó có khả năng đe dọa sự ổn định chiến lược".

Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh rằng lá chắn trên không nhằm chống lại Moskva. "Cả Mỹ và NATO đã nêu rõ rằng hệ thống này không được thiết kế nhằm mục đích hay có khả năng làm tổn hại khả năng răn đe chiến lược của Nga", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose cho hay.

Những tuyên bố được cả Mỹ và NATO đưa ra đã không khiến Nga tin tưởng và thề sẽ có biện pháp đáp trả. Theo tờ Inside the Ring, đòn đáp trả hiệu quả nhất của Nga lúc này là việc Moskva đã sẵn sàng đưa hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 vào trang bị.

Một khi tên lửa RS-26 đi vào hoạt động, lá chắn tên lửa của Mỹ tại Romania và sắp tới là tại Ba Lan sẽ trở nên vô nghĩa, tờ Inside the Ring nhận định. Tuy nhiên, trang tin quân sự Rosinform dẫn nguồn tin trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, triển khai Iskander-M sẽ là giải pháp tối ưu nhất lúc này.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, nếu triển khai từ lãnh thổ Belarus – sẽ tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Dù tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ vừa kích hoạt lá chắn tên lửa với thành phần là các tên lửa đánh chặn SM-3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân.

Nhưng tờ Russia Beyond the Headlines nhận định, Moskva không có nhu cầu phải vô hiệu hoá các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào lá chắn tên lửa của Mỹ cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.

Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander-M có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài. Đặc biệt, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast