Nhân lên niềm tin cuộc sống

(Baohatinh.vn) - Hoàn thành và đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, nhưng đến nay, dự án trồng rừng, trang trại và chăn nuôi cho người khuyết tật thuộc Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người khuyết tật Hà Tĩnh đã sớm trở thành “mái nhà chung” cho nhiều người khuyết tật và trẻ mồ côi trong toàn tỉnh. Ở đó, tình người hòa quyện, niềm tin vào tương lai được nhen lên…

Dự án được xây dựng từ nguồn tài trợ trị giá 444.000 EURO (gần 14 tỷ đồng) của tổ chức INKOTA, một tổ chức phi chính phủ của nước Đức. Với tổng diện tích 80 ha, dự án được quy hoạch trên địa bàn thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân) gồm hệ thống nhà ở tập thể, hội trường, phòng làm việc, thư viện, sân, nhà ươm cây giống, ao cá…

Nhân lên niềm tin cuộc sống ảnh 1

"Mái nhà chung" tạo thêm nhiều cơ hội cho những số phận kém may mắn xóa bỏ mặc cảm, tự ti, và được học nghề, có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Sau khi đi vào hoạt động, dự án đã đào tạo ngắn hạn cho gần 100 học viên là người khuyết tật, trẻ em mồ côi trong tỉnh và người nghèo xã Cương Gián về kỹ thuật chăm sóc rau - củ - quả, trồng và chăm sóc rừng. Không chỉ học lý thuyết, các học viên còn được thực hành trực tiếp ngay trên các vườn ươm, vườn rau của dự án. Đặc biệt, các mô hình vườn, ao, chuồng tại dự án cũng chính là địa điểm thực hành cho các học viên của trung tâm Sau khi học xong, nếu học viên chưa có việc làm có thể tìm đến dự án để được tạo việc làm, chỗ ăn, ở. Hiện nay, dự án đang giúp đỡ, chăm sóc phục hồi chức năng lâu dài cho 3 học viên đều là đối tượng mồ côi, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.

Bác Nguyễn Hữu Sung - Trưởng BQL dự án, người trực tiếp quản lý các học viên vui mừng: “Vụ rau thu đông năm vừa rồi, thu hoạch gần 1 tấn rau - củ - quả các loại, không chỉ cung cấp cho bếp ăn tại dự án mà còn phục vụ cho hơn 130 học viên ở trung tâm. Ngoài ra, còn bán được một số tiền kha khá để mua phân bón, dụng cụ tiếp tục sản xuất. Vừa rồi, chúng tôi đã mua thêm hạt giống rau và thả 3 tạ cá giống…”.

“Các cháu đến đây được lao động nhẹ nhàng để phục hồi sức khỏe, mọi chế độ ăn, ngủ theo quy định, nền nếp, lại được vui chơi thoải mái với các bạn nên nhiều cháu sức khỏe tiến triển tốt, nhanh nhẹn, bớt tự ti; nhiều cháu xin ở lại đây cùng làm việc, lao động sản xuất” - bác Sung chia sẻ thêm.

Dẫn chúng tôi tham quan khu sinh hoạt của các cháu, bác Sung phấn khởi cho biết: “Cháu Quang, quê Thạch Ngọc (Thạch Hà), lúc vào đây không nhận thức được những việc xung quanh, nhưng sau một thời gian, Quang đã có thể làm một số việc khi có người hướng dẫn. Hay như trường hợp cháu Giang (quê Hương Sơn) bị thiểu năng, giờ đã có thể tự đi xe buýt về nhà…”.

“Ở đây có bạn bè, có bác Sung tốt bụng, lại được trồng rau, nuôi cá, nuôi gà. Ở nhà không được như ở đây các chị à”. Đó là lời tâm sự chân thật và đong đầy tình cảm của Quang khi kể về mái nhà chung.

Được biết, sắp tới, dự án tiếp tục xin nguồn hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gia cầm, nuôi bò, trồng cỏ… mở rộng quy mô để có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho những số phận kém may mắn, giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast