Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Không thể chủ quan, lơ là!

(Baohatinh.vn) - Sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra khá phổ biến ở một số địa phương trong cả nước, nhiều người mắc bệnh với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, tỷ lệ diễn biến nặng cao. Tại Hà Tĩnh, đã có 5 người mắc SXH.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 46 tỉnh, thành phố xảy ra dịch SXH với 44.859 người mắc, 14 ca tử vong, số mắc tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nay, dịch đang bùng phát đột biến ở khu vực Tây Nguyên. Tại Hà Tĩnh, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc SXH rải rác tại các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Lộc Hà, Hương Sơn và TP Hà Tĩnh.

phong chong dich sot xuat huyet khong the chu quan lo la

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Can Lộc và Trạm Y tế xã Vượng Lộc hướng dẫn bà con kiểm tra tỷ lệ bọ gậy trong bể nước trữ

Để chủ động phòng, chống SXH, ngành Y tế Hà Tĩnh đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vượng Lộc (Can Lộc) Trần Xuân Dương cho biết: “Vượng Lộc là địa phương đã từng xảy ra các ổ SXH, do vậy, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã trở thành hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, người dân đã ý thức cao trong việc vệ sinh môi trường (VSMT) và diệt loăng quăng, bọ gậy, nằm ngủ mắc màn. Tuy vậy, vào những đợt cao điểm như hiện nay, cán bộ y tế thường xuyên giám sát ở các thôn, xóm, nhắc nhở, hướng dẫn bà con VSMT, thu gom rác thải, lật úp các dụng cụ chứa nước. Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca bệnh”.

Tại Đức Thọ, các hoạt động dự phòng đang được tập trung đẩy mạnh. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Đến thời điểm này, trung tâm đã triển khai các nội dung chỉ đạo của Sở Y tế về phòng, chống SXH tới tận các xã, thị trấn. Đặc biệt, tập trung cao cho công tác tuyên truyền và VSMT. Theo kết quả giám sát của tuần trước, chưa phát hiện bọ gậy trên địa bàn.

Trong tuần này, huyện tiếp tục giám sát trở lại. Đối với xã Đức Vĩnh, địa phương xuất hiện ổ dịch SXH vào năm trước, được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Với tinh thần chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các ca bệnh, bao vây, khống chế, dập tắt, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, trung tâm đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng, chống và tăng cường công tác giám sát véc-tơ bọ gậy, phát hiện sớm các ca bệnh”...

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh mới xuất hiện các ca bệnh rải rác. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Xuân Dâng cho biết: Dự báo thời tiết trong thời gian tới rất thuận tiện cho muỗi truyền bệnh SXH Dengue phát triển, hơn nữa, với điều kiện giao thương đi lại như hiện nay thì nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất lớn. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu UBND huyện, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố và hệ thống y tế trong toàn tỉnh tăng cường hoạt động của BCĐ phòng, chống các bệnh gây dịch ở người, chỉ đạo ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các phường, xã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, VSMT diệt lăng quăng, bọ gậy.

Đối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tăng cường giám sát dịch SXH Dengue trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên để khoanh vùng và xử lý kịp thời; kiện toàn đội cơ động phòng chống dịch sẵn sàng máy móc, trang thiết bị, hóa chất để ứng phó. Đối với trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố, thị xã, giám sát chặt chẽ tình hình SXH trên địa bàn, sẵn sàng các điều kiện để ứng phó nếu dịch xảy ra; tổ chức tập huấn “Hướng dẫn giám sát và phòng chống SXH Dengue” cho cán bộ trạm y tế xã; chỉ đạo trạm y tế thực hiện tốt việc giám sát phòng, chống dịch; chẩn đoán, điều trị bệnh nhân theo phác đồ hướng dẫn tại Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, kiên quyết không để tử vong do bệnh SXH Dengue.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast