Mã số ID về sức khỏe, bước ngoặt lớn của y tế Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mỗi người dân Hà Tĩnh sẽ có một mã số ID về sức khỏe, đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, tiến tới mỗi người dân Hà Tĩnh sẽ có một mã số ID về quản lý sức khỏe, xin ông cho biết những lợi ích mà mã số ID mang lại?

- Ông Lê Ngọc Châu: Mỗi người dân được cấp một mã định danh cá nhân (ID) trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để xem thông tin về sức khỏe của mình qua hệ thống. Các thông tin được bảo mật như tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe và các thông tin khác: Điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch... Điều này mang lại rất nhiều lợi ích trên mọi phương diện. Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo, giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng. Người dân sau này KCB ở đâu trên địa bàn tỉnh (tiến tới là toàn quốc) cũng được cập nhật vào hệ thống.

ma so id ve suc khoe buoc ngoat lon cua y te ha tinh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh.

Quản lý sức khỏe cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, KCB... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và yếu tố vệ sinh khác. Đồng thời, sẽ phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có; nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng, góp phần giảm tải bệnh viện các tuyến…

- Ngành y tế Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch như thế nào, thưa ông?

- Ông Lê Ngọc Châu: Năm 2018, ngành gấp rút triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân. Cụ thể, sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến ngày 31/7/2018, tiến hành các hoạt động: Tổ chức tập huấn, giới thiệu phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân cho cán bộ Sở Y tế, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện; tập huấn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 831/QĐ-BYT và nhập hồ sơ vào phần mềm cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực khám sàng lọc, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm và nguyên lý y học gia đình cho các trạm y tế, trung tâm y tế/y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; cập nhật các dữ liệu cá nhân có sẵn đang được quản lý tại các cơ sở y tế... nhập các thông tin y tế vào hồ sơ sức khỏe khi người dân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế; triển khai cổng tra cứu và cung cấp tài khoản truy cập đến từng người dân đã có thông tin trên hệ thống hồ sơ sức khỏe.

Giai đoạn 2: Từ ngày 1/8 - 31/12/2018, tiếp tục tạo lập mới hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho những người đến khám lần đầu; đồng thời, cập nhật, bổ sung các thông tin sức khỏe vào hồ sơ cho những lần khám tiếp theo.

Từ ngày 1/1/2019, duy trì công tác quản lý sức khỏe người dân; tiếp tục lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho những người chưa thực hiện trong năm 2018; thường xuyên cập nhật, bổ sung các thông tin sức khỏe cá nhân khi người dân tham gia khám sức khỏe, KCB tại các cơ sở y tế và từ các nguồn dữ liệu khác.

- Việc triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe cho người dân cho thấy, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sẽ tập trung nhiều từ y tế cơ sở. Tuy nhiên, hiện cơ chế bảo hiểm y tế đối với các trạm y tế xã vẫn còn nhiều bất cập. Đây sẽ là rào cản không nhỏ. Ngành y tế đã có giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Lê Ngọc Châu: Từ 1/1/2016, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi đến KCB tại trạm y tế xã được mở rộng nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong kinh phí KCB bảo hiểm y tế, các quy định thực hiện dịch vụ kỹ thuật và cơ chế quản lý tài chính... Thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở với những phần việc: Tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn về KCB tại trạm y tế xã, nâng cao chất lượng và số lượng các danh mục dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại trạm; triển khai thực hiện hoạt động của các trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; từng bước thực hiện việc trạm y tế xã kết nối, chuyển tuyến người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên…

Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tập huấn cho trạm y tế mở rộng các gói dịch vụ kỹ thuật, nhất là các dịch vụ theo gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở phù hợp với nhu cầu KCB của người dân và điều kiện thực tế của từng trạm y tế xã; thực hiện chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị các bệnh thường gặp cho người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh xã hội. Triển khai quản lý, theo dõi, điều trị một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường… bằng phần mềm quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm ngay tại trạm y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trạm y tế; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trạm… Đồng thời, ngành sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi những bất cập trong cơ chế, chính sách KCB bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast