Shangri- La 12: Vấn đề thời đại gắn với lợi ích dân tộc

Bài phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại đã thể hiện cái nhìn hết sức xây dựng, để giải quyết vấn đề, cùng hợp tác, phát triển.

Trưa 1/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc thành công các hoạt động tham dự Đối thoại Shangri- La lần thứ 12. Sự hiện diện với bài phát biểu sinh động, sâu sắc, chân thành và thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ định hướng chủ đề chính của Đối thoại Shangri- La lần này mà còn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với Chính phủ, các quan chức cấp cao quốc phòng, an ninh, các học giả khu vực Châu Á Thái Bình Dương về một quan điểm gốc rễ để giải quyết các thách thức an ninh khu vực và quốc tế hiện nay, đó là xây dựng lòng tin chiến lược trên cơ sở chân thành.

Đây là lần đầu tiên Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri- La với sự tham dự của hơn 400 chính khách, nhà quân sự, quốc phòng, an ninh và các học giả đến từ 27 quốc gia, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và các châu lục khác. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng vai trò là diễn giả chính trên một diễn đàn đối thoại chuyên biệt về hợp tác an ninh thực chất và hữu ích nhất ở khu vực. Điều này trước hết thể hiện các quốc gia trong khu vực rất coi trọng vai trò của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh khu vực này đang hiện hữu những bất ổn an ninh với những diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh phi truyền thống, hạt nhân, an ninh biển…


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri - La.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri - La.

Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, chính xác, đúng mực về tình hình an ninh khu vực, cả những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đem đến sự hài lòng cho các nhà chiến lược quân sự của khu vực về cách nhìn nhận thực chất các vấn đề gắn đưa ra các giải pháp khả thi mang tính chiến lược nhằm giải quyết các thách thức nổi lên với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh khu vực và toàn cầu, điều kiện tiên quyết để ổn định, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh: muốn có hòa bình, phát triển và thịnh vượng thì các quốc gia phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác là phải cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự chân thành trong quan hệ giữa các nước cũng như trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích: Đứng trước những phức tạp, nguy cơ và thách thức, bài phát biểu của Thủ tướng đã thể hiện cái nhìn hết sức xây dựng, cái nhìn để giải quyết vấn đề, cái nhìn để cùng hợp tác, phát triển. Phân tích của Thủ tướng sẽ làm hài lòng các nhà chiến lược trên thế giới, vì nó chính xác, đúng mực, không bỏ sót vấn đề nào, không phóng đại vấn đề nào.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, quan trọng hơn là Thủ tướng thay mặt đất nước, Chính phủ đưa ra một thông điệp, lời kêu gọi chung tay xây dựng lòng tin chiến lược. Ví dụ như trong ASEAN và các đối tác ASEAN chúng ta đã có xây dựng lòng tin, nhưng xây dựng lòng tin chiến lược về quốc phòng an ninh thì rõ ràng có đủ cơ chế, luật pháp quốc tế cũng đủ để duy trì hòa bình ổn định nếu chúng ta thực hiện đúng luật pháp nhưng chúng ta thiếu lòng tin.

Nếu có lòng tin chúng ta sẽ vượt qua tất cả, đấy là điểm nổi lên mà Thủ tướng muốn nhấn mạnh, từ đó Thủ tướng đưa ra giải pháp cụ thể, hãy đi đến hợp tác quốc tế, trên cơ sở cơ bản là luật pháp quốc tế, đó là giá trị của thời đại, chứ không chỉ là vấn đề mang tính pháp lý. Đó là cách đối xử bình đẳng giữa các quốc gia với nhau. Tôn trọng lợi ích của nhau, tôn trọng độc lập tự chủ của nhau…

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri- La lần thứ 12 cũng là lần đầu tiên Việt Nam thể hiện rõ quan điểm, đường lối đối ngoại gắn với quốc phòng và an ninh trước sự chứng kiến của giới chức Chính phủ, các nhà chiến lược quốc phòng và các học giả của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các châu lục.

Cùng với khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chia sẻ với thế giới, rằng Việt Nam chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra nhưng luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh: Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng nhấn mạnh thêm: “Một lần nữa Thủ tướng khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là độc lập tự chủ, làm bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia, tôn trọng lợi ích của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực. Đây là chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay nhưng Thủ tướng phát biểu trong bối cảnh cụ thể, đưa ra những giải pháp rất cụ thể để thấy rằng, chúng ta không chỉ nói mà muốn làm và sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực. Quan trọng không chỉ ở chỗ chỉ nói mà còn ở cách nói, khẳng định làm hết sức mình trước hết để đóng góp cho hòa bình, bảo vệ độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta”.

Nói đi đôi với làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố với thế giới Việt Namquyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết thêm: Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng khả năng của mình sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đây là bước tiến mới trong quá trình hội nhập của đất nước chúng ta, thể hiện Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế. Việc Thủ tướng tuyên bố như vậy thể hiện sự phát triển của đất nước ta đủ điều kiện vật chất lẫn con người tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, việc này ta tham gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc, nhưng việc tham gia ở đâu, lúc nào, lĩnh vực nào, bao nhiêu người tham gia, như thế nào là do ta quyết định. Đây là bước phát triển về hội nhập quốc tế của đất nước ta, trong đó có hội nhập quốc phòng an ninh.

Không chỉ nói lên tiếng nói, ý chí, quan điểm và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đối với tương lai và vận mệnh của đất nước và hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tại Đối thoại Shangri- La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của các quan chức quân đội và học giả các nước liên quan trực tiếp đến việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển. Thủ tướng cũng khẳng định là một quốc gia ven biển, Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Thủ tướng cũng thẳng thắn nói ra quan điểm về vấn đề lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, với tư cách là hai cường quốc của thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình, có chiến lược và việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp ngày càng nhiều vào hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và các nhà ngoại giao trong nước và quốc tế, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri- La lần này với những chính kiến rõ ràng, khách quan và trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh của khu vực và thế giới đã để lại những ấn tượng sâu đậm, nâng cao vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Và như lời chia sẻ của nhà nghiên cứu quân sự, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cần phải đọc nhiều lần bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri- La lần thứ 12 mới thấy hết được thông điệp và các vấn đề của thời đại gắn với lợi ích của dân tộc./.

Theo Thành Chung/VOVTV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast