Sống chậm cuối năm

Thế giới năm 2022 với nhiều người, trong đó có tôi, đầy hỗn loạn và bất an. Xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào tháng 2-2022 đang tiếp diễn, gây ra những hậu quả thảm khốc, kéo đến hàng loạt hệ lụy toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 6 triệu người vẫn chưa kết thúc, các biến chủng mới luôn thách thức. Khủng hoảng kinh tế, khủng khoảng năng lượng, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng đang đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn.

Sống chậm cuối năm

Trong những ngày tháng đầy biến động vừa qua, tôi đã học được một điều quý giá từ những người thành công và bận rộn mà tôi quen biết: sự tĩnh tâm. Tôi học được rằng: thế giới càng hỗn loạn, chúng ta cần càng phải biết tĩnh tâm để có thể tỉnh táo giải quyết những vấn đề chúng ta phải đương đầu.

Những ngày cuối năm này, tôi đang đọc lại bộ sách viết về hạnh phúc và bình an của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là những quyển sách gối đầu giường của tôi bởi vì chúng đã giúp ích cho tôi vào những thời khắc khó khăn nhất.

Những quyển sách này dạy tôi cách sống trong tỉnh thức, để nhận biết được sự màu nhiệm của cuộc sống từ những điều nhỏ nhoi nhất: ánh nắng ban mai, nụ hoa đang hé nở, làn gió đem hương thơm mùa xuân đang lồng lộng thổi về...

Mở đầu quyển sách Gieo trồng hạnh phúc, thầy Thích Nhất Hạnh viết: “Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai, thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta, và trân quý sự có mặt của họ... Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta”.

Những quyển sách của thầy Thích Nhất Hạnh giúp tôi nhận ra rằng nếu để guồng quay bận rộn của cuộc sống cuốn mình đi, tôi sẽ bỏ qua biết bao vẻ đẹp và sự màu nhiệm của cuộc sống.

Sự màu nhiệm đó đến từ những điều giản đơn nhất mà chúng ta rất dễ bỏ qua, như việc chúng ta được thở, được nhìn, được nghe. Tôi nhận ra rằng những gì tôi có không phải là ngày mai hoặc năm sau, mà chính giây phút này, khi tôi đang được sống.

Và tôi nhận ra rằng thế giới mà tôi cần kiểm soát không phải ở ngoài kia mà ở trong tâm trí của tôi. Nếu tôi biết gạt đi những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai, tôi sẽ thực sự có mặt để trân trọng từng phút giây của hiện tại.

Khi thực hành hơi thở chánh niệm, chú tâm vào giây phút hiện tại theo hướng dẫn trong sách, tâm trí tôi có được sự bình an, thư thái và sự tập trung cao hơn cho công việc.

Đã có rất nhiều những doanh nhân, nhà lãnh đạo chia sẻ rằng bí quyết làm việc hiệu quả của họ đến từ việc thực hành chánh niệm, bằng việc thiền đều đặn ở nhà trước khi làm việc, hoặc ở cơ quan.

Tỉ phú Bill Gates đã luôn nói rằng việc thiền ba lần mỗi tuần, mỗi lần mười phút giúp ông tập trung nhiều hơn cho công việc. Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng việc thiền đem lại rất nhiều lợi ích như giảm lo lắng, căng thẳng, cải thiện sự tập trung, tăng cường trí nhớ, giảm rủi ro trầm cảm.

Cuộc sống càng bận rộn và nhiều áp lực, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25% sau đại dịch COVID-19.

Trầm cảm khiến gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm, gấp bốn lần số ca tai nạn giao thông tử vong. Xu hướng tự sát đang trẻ hóa và có chiều hướng gia tăng.

Những ngày cuối năm này, tôi đang nhủ mình phải sống chậm lại để tập trung cho sức khỏe tinh thần của chính mình và của gia đình.

Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một ngày tôi cần gieo trồng một hạt mầm hạnh phúc bằng cách tôi luyện để có được sự bình an trong tâm tưởng. Và tôi tin, sự bình an chính là món quà Tết lớn nhất chúng ta có thể tặng cho mình và cho những người mà chúng ta yêu thương.

Sống chậm cuối năm
Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast