Quân đội Nga sẽ có đơn vị robot tấn công

Đơn vị robot tấn công đầu tiên sẽ được thành lập trong thành phần Các lực lượng vũ trang Nga, gồm năm tổ hợp robot Uran-9.

Ngày 9/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này sẽ thành lập đơn vị robot tấn công đầu tiên.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã kiểm tra việc thực hiện đơn hàng quốc phòng của Công ty cổ phần Cục tổ hợp công nghệ-chế tạo (UPTK) số 766, nơi phát triển và sản xuất các hệ thống robot.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Như Tham mưu trưởng Lục quân Vasily Tonkoshkurov đã báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng, đơn vị robot tấn công đầu tiên sẽ được thành lập trong thành phần Các lực lượng vũ trang Nga, gồm năm tổ hợp robot Uran-9, tức khoảng 20 máy chiến đấu".

Theo Bộ trên, “đơn vị thử nghiệm hiện đang được hình thành trên cơ sở một trong những trung tâm nghiên cứu của Bộ Quốc phòng để hình thành các phương pháp và hình thức sử dụng các đơn vị robot. Sau đó, trên cơ sở trung tâm này, sẽ đào tạo nhân viên trong tương lai để vận hành hệ thống robot tấn công Uran-9 trong các đơn vị chiến đấu".

Bộ nói rõ rằng Uran-9 trước đó chỉ được sử dụng như các tổ hợp riêng biệt.

Robot chiến đấu Uran-9 do UPTK 766 sản xuất. Vũ khí của nó bao gồm pháo tự động 30mm, tên lửa chống tăng dẫn đường Ataka và súng phun lửa Shmel.

Các robot chiến đấu đang được phát triển trên khắp thế giới. Quân đội Hoa Kỳ cũngđang lên kế hoạch thay thế phương tiện chiến đấu Bradley thành “tùy chọn có người lái”. Tuy nhiên, Nga được cho là đã quyết liệt hơn trong việc triển khai các phương tiện chiến đấu không người lái trên mặt đất (UGV).

Những chiếc UGV đầu tiên được phát triển cách đây một thế kỷ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến những năm 1930, Liên Xô đã triển khai hai tiểu đoàn Teletanks được điều khiển từ xa, có trang bị súng phun lửa và thiết bị phá hủy. Ngày nay, các UGV như Uran-6 của Nga đang được sử dụng thành công để rà phá bom mìn và thiết bị nổ tự tạo (IED) ở Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên, rất ít UGV được triển khai hoạt động cho các nhiệm vụ phức tạp như phát hiện và giao tranh với lực lượng đối phương.

Trong bài viết đăng tải trên National Interest ngày 7/4 vừa qua, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận xét rằng, robot chiến đấu Uran-9 của Nga được cho là một bước tiến nhảy vọt, nhưng nó có rất nhiều vấn đề.

Vị chuyên gia nhắc lại sự kiện vào tháng 5/2018, quân đội Nga tiết lộ họ đã thử nghiệm chiến đấu với robot chiến đấu Uran-9 ở Syria.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, Defense Blog dẫn lời sĩ quan nghiên cứu cấp cao Andrei Anisimov phát biểu tại một hội nghị tại Học viện Hải quân Kuznetsov ở St.Petersburg rằng màn trình diễn của Uran-9 ở Syria tiết lộ rằng các UGV hiện đại của Nga không thể thực hiện các nhiệm vụ trong kiểu tác chiến cổ điển. Ông kết luận rằng sẽ mất 10-15 năm nữa trước khi các UGV sẵn sàng cho những nhiệm vụ phức tạp như vậy.

Điều này trái ngược với một nguồn tin đã nói với Jane’s rằng hệ thống đã "thể hiện hiệu suất cao trong môi trường hoạt động”.

Quân đội Nga sẽ có đơn vị robot tấn công

Quân đội Nga sẽ thành lập đơn vị robot tấn công đầu tiên, gồm năm tổ hợp robot Uran-9

Uran-9 có hỏa lực ấn tượng nhưng chúng chỉ hữu ích nếu Uran-9 và những người điều khiển nó có thể thật sự phát hiện lực lượng đối phương và bắn chính xác vào chúng. Điều này, theo vị chuyên gia, hóa ra lại là một vấn đề khi thử nghiệm thực địa ở Syria.

Hệ thống cảm biến ảnh nhiệt của Uran-9 khó lòng phát hiện mục tiêu trong khoảng cách trên 1 km. Robot chiến đấu bị giới hạn trong việc phát hiện, định dạng và tiêu diệt kẻ thù nếu không có điều hướng từ người điều khiển từ xa, cho thấy nó không phải là một robot tự hành đúng nghĩa. Hơn nữa, trong khoảng cách ngắn như vậy, chiếc xe điều khiển có khả năng bị chạm vào hỏa lực của đối phương.

“Các cảm biến và vũ khí mà chúng dẫn đường đều vô dụng trong khi Uran-9 đang di chuyển do thiếu ổn định. Khi lệnh khai hỏa được ban hành, đã sáu lần có sự chậm trễ đáng kể. Trong một trường hợp, lệnh không được thực hiện”, Anisimov cho hay.

Thông tin tại hội nghị trên, Anisimov cho biết, không giống như máy bay không người lái bay cao, các phương tiện điều khiển từ xa dễ bị gián đoạn tín hiệu điều khiển do đồi núi, tòa nhà và các đặc điểm địa hình khác. Trong quá trình thử nghiệm thực địa ở Syria, điều này đã khiến Uran-9 bị mất 17 lần điều khiển từ xa kéo dài tới một phút và hai sự kiện khiến chúng mất liên lạc trong một giờ rưỡi.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi các khu vực chiến tranh hiện đại như Syria đã trải qua hoạt động điện từ bất thường từ các tín hiệu liên lạc và liên kết máy bay không người lái - cũng như gây nhiễu, gián điệp và các hình thức chiến tranh điện tử khác. Băng thông mà Uran-9 tiêu thụ có thể không chỉ giới hạn số lượng được triển khai trong một lĩnh vực nhất định mà còn có thể khiến chúng trở thành mục tiêu dễ thấy cho các cuộc tấn công điện tử, bất chấp tuyên bố của nhà sản xuất rằng các liên kết dữ liệu có thể chống lại sự can thiệp như vậy.

Dẫn lại các phân tích của Anisimov, chuyên gia Roblin nhận xét, về mặt lý thuyết, Uran-9 có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ mất mạng con người trong các hoạt động rủi ro cao như trinh sát vị trí ẩn nấp của kẻ thù hoặc cung cấp hỏa lực bao vây cho các cuộc tấn công vào các vị trí được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, trừ khi độ tin cậy có thể được cải thiện và khoảng cách kết nối giữa robot chiến đấu và phương tiện chỉ huy của chúng được mở rộng, Uran-9 sẽ được sử dụng hạn chế trong quân sự ngoại trừ trong các tình huống tĩnh, cố định.

Ở một khía cạnh nào đó, cuộc thử nghiệm chiến đấu ở Syria cho thấy lý do tại sao robot chiến đấu không xuất hiện trên chiến trường sớm hơn, mặc dù các công nghệ thành phần đã có sẵn trong nhiều thập kỷ.

Vị chuyên gia cho rằng, màn ra mắt không mấy suôn sẻ của Uran-9 tại Syria sẽ đóng vai trò là một kinh nghiệm quý giá, có tính cảnh báo, dành cho các kỹ sư đang làm hoàn thiện các hệ thống tác chiến mặt đất bằng robot sắp tới.

Theo An Nhiên/Baodatviet

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.