Chiều 16/11, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ quý IV nghe kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 10 tháng 2020. |
Theo báo cáo, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và 13 huyện, thị, thành phố, thị xã đã nghiêm túc thực hiện các phiên họp định kỳ theo quý, ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện đến các đơn vị cơ sở.
Đến 31/10, ban đại diện cấp tỉnh đã kiểm tra giám sát 10 lượt huyện, 10 lượt xã, 19 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV), 76 lượt hộ vay vốn. Ở cấp huyện, có 111 thành viên ban đại diện cấp huyện kiểm tra giám sát 153 lượt xã, 413 lượt tổ TK&VV, 1.697 hộ vay vốn.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lưu Văn Minh báo cáo hoạt động 10 tháng năm 2020
Đối với công tác tín dụng, đến 31/10, tổng nguồn vốn đạt 4.977,2 tỷ đồng, trong đó nguồn nhận từ Trung ương là 4.023,7 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác là 131,54 tỷ đồng và nguồn vốn quản lý và huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 822 tỷ đồng.
Tổng doanh số cho vay trong 10 tháng đạt 1.160,8 tỷ đồng với 30.154 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đạt 4.887 tỷ đồng (tăng trưởng 3,78%), tăng so với đầu năm 178,2 tỷ đồng với 113.812 khách hàng.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nguyễn Đức Tới: Đề nghị ban đại diện có cơ chế ưu tiên nguồn vốn giải quyết việc, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận phát triển sản xuất, phát huy nguồn vốn ưu đãi.
Nợ quá hạn chiếm 0,05% tổng dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,036% tổng dư nợ. Toàn tỉnh có 141/216 phường, xã, thị trấn không có nợ quá hạn; 3 huyện (Đức Thọ, Nghi Xuân và TX Kỳ Anh) không có nợ quá hạn.
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đứng thứ 3 toàn quốc về chất lượng tín dụng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành; phối hợp, nâng cao chất lượng tín dụng tại Phòng Giao dịch huyện Phước Long (Bạc Liêu).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Ngành NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các hội trong việc hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật sản xuất gắn với chương trình vay vốn nhằm đảm bảo cho bà con khôi phục sản xuất ổn định, an toàn sau lũ, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Đối với hoạt động ủy thác, dư nợ cho vay (đến 31/10) qua các tổ chức hội đạt 4.881,6 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Các hội ủy thác, tổ TK&VV đã có nhiều giải pháp phối hợp với NHCSXH cấp huyện trong việc quản lý nợ đến hạn và tập trung thu hồi nợ quá hạn. Theo đó, toàn tỉnh có 2.824/3.317 tổ TK&VV đạt loại tốt (chiếm 85,14%); 428 tổ đạt loại khá (chiếm 12,9%); 64 tổ đạt trung bình (chiếm 1,93%) và 1 tổ yếu kém (chiếm 0,03%).
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trần Hữu Cần đánh giá cao hiệu quả nguồn vốn chính sách trong thời gian qua
Tại hội nghị, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã đóng góp ý kiến về các vấn đề trọng tâm như: giải pháp nâng cao chất lượng tổ TK&VV; thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; đồng thời đề xuất tập trung nguồn vốn hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khôi phục sản xuất sau lũ lụt…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao những kết quả mà ban đại diện các cấp, Chi nhánh NHCSXH đạt được trong 10 tháng đầu năm. Mặc dù trong điều kiện nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, lũ lụt nhưng các chỉ số về quy mô, dư nợ, tăng trưởng đạt cao; chất lượng nợ kiểm soát tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại như: nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH ủy thác cho vay còn thấp, nợ quá hạn mặc dù thấp nhưng trong 10 tháng vẫn còn tăng
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban đại diện tiếp tục quán triệt, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; Kế hoạch 152/KH-UBND ngày 7/6/2016 của UBND tỉnh về thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách. Tiếp tục tham mưu HĐND, UBND các cấp bố trí ngân sách chuyển sang NHCSXH ủy thác cho vay người nghèo và đối tượng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở theo chương trình đã ban hành.
Các tổ chức hội nhận ủy thác cần chỉ đạo sâu sát các hoạt động quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại các tổ TK&VV. Trong đó, quan tâm trách nhiệm của người đứng đầu; đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ làm ủy thác, ban quản lý tổ TK&VV…
Liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả lũ lụt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh NHCSXH tỉnh có hướng dẫn kịp thời đến các phòng giao dịch, các tổ chức hội nhận ủy thác rà soát, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các phương án hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định, đặc biệt là nguồn vốn giải quyết việc làm, giúp người dân tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn.