Vậy lý do khiến Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, lại “đi sau” phần lớn thế giới tới bảy năm tám tháng? Và điều đó ảnh hưởng thế nào đến người dân Ethiopia khi họ đang sống trên một hành tinh ngày càng kết nối với nhau? Câu trả lời nằm ở những truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước, và ý thức về bản sắc dân tộc.
Tại Ethiopia, năm sinh của Chúa Giêsu được công nhận muộn hơn bảy hoặc tám năm so với lịch Gregorian, hay lịch “phương Tây”, do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582.
Theo các chuyên gia, Nhà thờ La Mã đã điều chỉnh cách tính của mình vào năm 500 CN, trong khi Nhà thờ Chính thống Ethiopia chọn cách giữ nguyên niên đại cổ xưa. Do vậy, mặc dù phần lớn phần thế giới tiếp tục áp dụng lịch Gregorian, nhưng Ethiopia vẫn giữ nguyên lịch của riêng mình.
Lịch của Ethiopia được cho có từ hơn 1.500 năm trước. Nó dựa trên hệ Mặt Trời-Mặt Trăng, dài 13 tháng, trong đó 12 tháng kéo dài 30 ngày. Tháng cuối cùng chỉ có năm ngày, hoặc sáu ngày trong năm nhuận.
Năm mới (Enkutatash) tại Ethiopia được tổ chức vào tháng 9, khi hoa Adey Abeba bản địa bung nở. Enkutatash đến vào cuối mùa mưa. Trong khi đó, ngày 1/1 năm mới của lịch Gregorian lại không mang nhiều ý nghĩa đối với Ethiopia bởi nó rơi vào mùa khô.
Khách du lịch đến thăm Ethiopia thường sửng sốt khi biết rằng họ đã “quay ngược thời gian”. Do các doanh nghiệp và trường học quốc tế có trụ sở tại Ethiopia có xu hướng tuân theo lịch Gregorian, nhiều người Ethiopia không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.
Ngoài Ethiopia, cũng có một số quốc gia vẫn sử dụng lịch của riêng họ. Như Saudi Arabia có truyền thống ưu tiên lịch Hijri, gồm 12 tháng và 354 ngày, nhưng gần đây đã chấp thuận việc sử dụng lịch Gregorian cho các giao dịch. Trong khi đó, lịch Do Thái là lịch chính thức của Israel.