Những người đi làm như thất nghiệp

Mỗi ngày ở công ty của Bảo Minh thường chỉ có hai tiếng "làm việc" thực sự bằng cách dùng ChatGPT soạn 8 nội dung để đăng fanpage, 6 tiếng còn lại để xem phim.

"Mình làm công sở nên khá nhàn", chàng trai 23 tuổi mô tả công việc tại một công ty truyền thông ở quận 1, TP HCM.

Hồi tháng 5, Minh được nhận vào vị trí content marketing, viết nội dung cho fanpage và website công ty. Khối lượng công việc được tính bằng số bài đăng và lượt tương tác trên mạng xã hội, lương 10 triệu một tháng.

Minh nói ban đầu rất thích công việc này và sáng tạo nội dung cũng là sở trường của anh. Nhưng cảm hứng với công việc sớm bị dập tắt. "Nhân sự nói cần 'làn gió mới' là người trẻ nhưng thực sự không phải vậy", anh kể. Trưởng phòng marketing, người hơn anh 13 tuổi thường không hài lòng với nội dung Minh viết, cho rằng khó hiểu và khác biệt.

Hai tuần đầu, mỗi bài đăng 300 chữ Minh thường phải sửa hơn 5 lần. Kết quả là toàn bộ ý tưởng của anh đều bị thay đổi. Chàng trai chán nản, muốn nghỉ việc sau một tháng nhưng nhớ đến sự bấp bênh của hai năm làm tự do trước đó nên cố bám trụ.

Sau nhiều chiến dịch marketing, anh nhận ra chỉ cần làm theo ý cũ, không cần phải sáng tạo thêm. "Lương thấp cũng khiến tôi 'lười' cãi lại sếp", anh nói.

Minh chuyển sang sử dụng AI để soạn nội dung và sửa lại đôi chút. Hàng ngày, 9h Minh đến cơ quan bấm vân tay chấm công, hơn 11h là xong việc. Thời gian còn lại, anh buôn chuyện với đồng nghiệp, xem phim hoặc đọc truyện.

Sếp ngồi ở phòng khác cũng không mấy quan tâm đến việc Minh làm, chỉ đánh giá qua việc anh có mặt ở công ty đầy đủ.

Hải Yến ở quán cà phê thuộc quận 1, TP HCM. Ảnh: Ngọc Ngân
Hải Yến ở quán cà phê thuộc quận 1, TP HCM. Ảnh: Ngọc Ngân

Hải Yến, 29 tuổi, thường được bạn bè nhận xét có công việc trong mơ. Cô không bị giới hạn giờ giấc có mặt ở văn phòng kể khi chuyển từ phòng sự kiện sang sản xuất nội dung của một công ty in ấn phẩm ở quận 3, TP HCM.

Yến nói đây là sự luân chuyển bắt buộc khiến cô rơi vào trạng thái chán nản, không hứng thú. Số lượng sản phẩm của cô luôn ít nhất so với bốn đồng nghiệp cùng phòng.

Tuy nhiên, cô nằm trong biên chế sau 6 năm làm việc với mức lương 8 triệu. Yến nói mức lương này không đủ động lực để phải cố gắng hơn. Cô quen dần với những lời chỉ trích và chuyển sang tâm trạng chờ sa thải. "Tôi không còn được làm điều mình yêu thích nên luôn mệt mỏi, không muốn tiến lên", cô nói.

Hàng ngày Yến đến công sở lúc 11h và ăn trưa, nghỉ ngơi đến 14h. Thời gian làm việc thực tế của cô kéo dài một đến hai tiếng. Khoảng 16h, cô sẽ thay quần áo đi chạy bộ ở công viên cách cơ quan 3 km, tạt qua siêu thị mua thức ăn và tận hưởng buổi tối không mang việc về nhà.

Yến và Minh là những điển hình của người lao động rơi vào tình trạng jobless employed (đi làm như thất nghiệp) - thuật ngữ mô tả những người có công việc nhưng không làm việc hoặc làm rất ít. Họ không muốn hoặc không có cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, tạo ra giá trị trong công việc dẫn nên năng suất và hiệu quả thấp.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2020 cho thấy khoảng 22% số lao động trên thế giới rơi vào tình trạng jobless employed. Ở Việt Nam, khảo sát tương tự của CareerBuilder cho thấy 58% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại của mình.

Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, cho rằng hiện tượng này xảy ra phổ biến ở Gen Z và thế hệ Millennials bởi nhiều nguyên do.

Đầu tiên, Gen Z - thế hệ chiếm 1/3 lực lượng lao động ở Việt Nam đã thay đổi các ưu tiên về công việc. Họ xem mục đích và hạnh phúc chung trong công việc rất quan trọng nên những công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán và mơ hồ về tương lai khiến họ chán nản và mất động lực.

Sự tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã thay đổi cách thức làm việc của nhiều công ty và cá nhân. Họ tận dụng số hóa để giản lược thời gian làm việc.

Hiện tượng jobless employed cho thấy bộ phận quản lý nhân sự cũng đang có vấn đề. Họ chọn sai nhân sự hoặc đặt sai vị trí khiến người lao động cảm thấy không phù hợp về mặt giá trị và không thích ứng được với văn hóa công ty. "Mất động lực và niềm tin sẽ dẫn đến văn hóa trì trệ và vô trách nhiệm", ông Chung nói. Chuyên gia cho rằng đây là trách nhiệm của nhiều bên liên quan.

Ông Chung nói hiện tượng trên cũng xảy ra phổ biến ở nhóm lao động đang ký hợp đồng biên chế, không xác định thời hạn do được pháp luật bảo vệ. Việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm này tương đối khó khăn và vướng phải các rắc rối pháp lý.

Do đó, họ vô tình tạo ra lực lượng "zoombie công sở", nhóm người không chịu học hỏi, không làm việc nhưng cũng không nghỉ việc. Điều này dễ gây sự mâu thuẫn trong nội bộ.

Khánh Thy, 29 tuổi, là một trong số đó. Thy và đồng nghiệp ở công ty sữa thuộc quận 1, TP HCM gọi một nhân sự ở phòng kinh doanh là "người bất tử" bởi không bị đuổi việc.

Anh được lên vị trí quản lý sau khi mang về một số dự án tốt cho công ty ba năm trước. Người đàn ông này hàng ngày check-in đúng giờ nhưng sau đó thường ra ngoài không rõ lý do. Nhiều đồng nghiệp phàn nàn sự chậm chạp, không nhạy bén, chểnh mảng nhưng nhân sự này vẫn ở lại công ty.

"Trong giai đoạn căng thẳng của dự án mới, chúng tôi phải tăng ca còn anh ta không biết đang ở đâu", Thy kể.

Ông Chung cho rằng hiện tượng jobless employed ở người lao động có thể hạn chế và giảm thiểu bằng việc xây dựng hệ thống ghi nhận năng suất, thành tích, báo cáo kết quả làm việc chi tiết từng người, bộ phận, phòng ban.

Công ty cũng cần tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện các công việc cụ thể tại nơi làm việc. Đồng thời, ở nhóm thiếu động lực, họ cần được tìm hiểu và lắng nghe chủ động để tìm ra vấn đề có liên quan.

Đầu 2024, Hải Yến quyết định nghỉ việc do lo lắng bản thân gần bước sang tuổi 30, không tìm được định hướng tương lai. Yến nói bị sốc trước guồng quay công việc ở một công ty tư nhân bởi cách làm việc và chấm năng suất đều khác trước.

"Có lẽ tôi đã thả trôi mình quá lâu và cảm thấy khó khăn khi thực sự làm việc", cô nói.

vnexpress.net

Đọc thêm

Nghề cắt mí, sửa môi cho cá

Nghề cắt mí, sửa môi cho cá

Nhỏ vài giọt dung dịch gây mê vào chậu nước, đợi chú cá rồng ngất đi, anh Hà Nguyên Hoàng mới nhẹ nhàng vớt lên "bàn mổ" là tấm bạt được trải sẵn.
Lợi thế của người đẹp trai

Lợi thế của người đẹp trai

Nghiên cứu ghi nhận, phụ nữ hào phóng hơn với những người đàn ông có khuôn mặt hấp dẫn, giọng nói lôi cuốn và thể hiện sự quan tâm đến họ.
Ăn cưới đắt đỏ

Ăn cưới đắt đỏ

Bước vào cửa khách sạn tổ chức tiệc cưới của bạn, Thùy Chi hơi sững người vì mức độ sang trọng nên lén bóc phong bì bỏ thêm 500.000 đồng tiền mừng.
Cụ bà 102 tuổi nhảy dù từ độ cao 2.100m

Cụ bà 102 tuổi nhảy dù từ độ cao 2.100m

Vừa qua, thế giới đã chứng kiến màn trình diễn đầy dũng cảm và bất ngờ khi bà Manette Baillie, một phụ nữ 102 tuổi đến từ ngôi làng Benhall Green ở phía Đông vùng England, nước Anh, đã thực hiện cú nhảy dù ngoạn mục từ độ cao hơn 2.100 m.
Thành 'vua ẩm thực' nhờ trúng số

Thành 'vua ẩm thực' nhờ trúng số

Năm 20 tuổi, Kei Kurusu trúng độc đắc 200 triệu yen nhưng không nói với gia đình mà dành để đi ăn nhà hàng thỏa đam mê, sau đó viết sách, mở nhà hàng.
Vụ trộm cầu 60 tấn gây xôn xao nước Nga

Vụ trộm cầu 60 tấn gây xôn xao nước Nga

Công trình khổng lồ thời Liên Xô – một cây cầu trọng lượng 60 tấn đã biến mất khỏi Vùng Ryazan của Nga. Cơ quan chức năng Nga đang điều tra vụ trộm cây cầu đường sắt kim loại này.