Khi còn là sinh viên đại học ở Singapore cách đây hơn một thập kỷ, Jay Lim đã rất thất vọng vì không thể mua được một chiếc pizza có cỡ nhỏ khi ăn một mình. Việc thiếu "lựa chọn pizza cá nhân" là động lực để anh tạo ra công ty khởi nghiệp Gopizza khi trở về Hàn Quốc vào năm 2016.
Gopizza, với dịch vụ nhanh và cung cấp pizza cỡ nhỏ, đã chiếm được cảm tình của những người Hàn Quốc sống độc thân. Chỉ 3 năm sau khi thành lập doanh nghiệp, Lim đã tìm kiếm thị trường nước ngoài. Người sáng lập Gopizza "chinh chiến" đến Ấn Độ, rồi Đông Nam Á, để doanh nghiệp của mình có cơ hội tồn tại tốt nhất.
Sự phát triển của những doanh nghiệp như Gopizza một phần lớn dựa vào tỷ lệ sinh giảm mạnh cũng như số hộ gia đình độc thân bùng nổ ở Hàn Quốc. "Tỷ lệ sinh không phải chuyện đùa. Mỗi năm giảm 300.000 người, đây là một vấn đề lớn", Lim nói.
Câu chuyện khởi nghiệp của Lim chính là điển hình cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của "nền kinh tế độc thân" (singles economy) hay "nền kinh tế đơn lẻ" (solo eonomy).
Thị trường béo bở
Theo Futures Platform, hộ gia đình một người là loại hộ gia đình phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, kéo theo các mô hình tiêu dùng đang nhanh chóng chuyển đổi. Sự phổ biến của đơn vị gia đình này sẽ mang nhiều thay đổi đối với các thương hiệu tiêu dùng vốn từ lâu đã cho rằng hộ gia đình mặc định bao gồm nhiều người.
Theo truyền thống, hàng tiêu dùng tập trung mạnh vào gia đình hạt nhân (gồm một cặp vợ chồng và 2 con). Sự tập trung này định hình toàn bộ chu kỳ phát triển sản phẩm - từ thiết kế đến đóng gói và tiếp thị: các thiết bị gia dụng lớn, bao bì sản phẩm cỡ gia đình hoặc quảng cáo thường có sự góp mặt của gia đình 4 người.
Nhưng với tỷ lệ kết hôn đang giảm, dân số già hóa và sự thay đổi chung trong tư duy không còn coi việc sống một mình là điều không mong muốn nữa, thì có một thị trường béo bở mới cho các thương hiệu muốn phục vụ những hộ gia đình độc thân.
Từ máy pha cà phê một người đến những cuộn giấy vệ sinh khổng lồ dành cho những người không có đủ không gian để lưu trữ 24 cuộn lớn ở nhà, hàng loạt sản phẩm và dịch vụ mới đang xuất hiện để giúp cuộc sống một mình trở nên thuận tiện và thú vị hơn.
Sự thay đổi không chỉ giới hạn ở sản phẩm. Các ngành dịch vụ và giải trí cũng đang bắt kịp để phục vụ nhóm nhân khẩu học đơn lẻ đang phát triển này. Với những chiếc bàn cho một người trong nhà hàng và các gói du lịch được thiết kế cho khách du lịch một mình, có thể thấy các doanh nghiệp đang xem xét lại thiết kế trải nghiệm để phù hợp với nguyện vọng về lối sống và bản sắc của một người độc thân.
Sự thay đổi này đặc biệt rõ rệt ở châu Á, nơi tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ngày càng đòi hỏi những trải nghiệm một mình với một chút xa xỉ. Ví dụ, ở Nhật Bản, các phòng karaoke cho một người và các nhà hàng thịt nướng một mình với lò nướng mini đang xuất hiện ở khắp các thành phố lớn.
"Những người sống một mình" của Trung Quốc sẽ phát triển thành "nền kinh tế độc thân cao tuổi" lớn nhất thế giới. Đến năm 2035, đất nước tỷ dân sẽ là nơi sinh sống của 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% tổng dân số.
"Điều này sẽ có tác động sâu sắc đến các cấu trúc xã hội và các dịch vụ mà các doanh nghiệp cần cung cấp xung quanh họ", Tristan McInnis, đối tác quản lý tại chi nhánh Thượng Hải của công ty tư vấn chiến lược và hiểu biết Inner Chapter, nói với Jing Daily.
Hướng tới xã hội thân thiện với người độc thân
Các thương hiệu trên khắp các lĩnh vực đang nhanh chóng giành được thị phần trong nền kinh tế độc thân, chắc chắn thị trường tiêu dùng đang có động lực hướng tới các giải pháp thân thiện hơn với người độc thân ngay lúc này.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của một sự thay đổi văn hóa xã hội lớn hơn nhiều.
Theo nhiều cách, các xã hội trên toàn cầu vẫn hoạt động dựa trên giả định rằng gia đình mặc định bao gồm nhiều người. Do đó, việc thiết kế lại sản phẩm và dịch vụ sẽ không đơn giản như việc giảm kích thước bao bì hoặc tái sử dụng các dịch vụ hiện có cho những người độc thân như một ý nghĩ thoáng qua.
Các thương hiệu sẽ cần phải điều chỉnh theo nhu cầu và mong muốn cụ thể của nhóm này và hiểu cách những người độc thân sống và mua sắm khác nhau như thế nào. Theo nghiên cứu của Nielsen, những người độc thân có sức mua lớn hơn, họ giao lưu và dành nhiều thời gian ở bên ngoài hơn so với các gia đình truyền thống, điều này khiến họ có nhiều khả năng ăn ngoài hơn là nấu ăn ở nhà.
Jacob Cooke, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nền tảng giải pháp tiếp thị WPIC Marketing & Technologies có trụ sở tại Trung Quốc và Canada, nói với Jing Daily rằng: "Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người trẻ theo đuổi lối sống cân bằng giữa thời gian giải trí cá nhân với công việc và những gì có thể được coi là nghĩa vụ gia đình truyền thống. Nhóm nhân khẩu học này đang chi tiêu nhiều hơn cho các xu hướng và giá trị lối sống mới, chẳng hạn như tỷ lệ nuôi thú cưng và tham gia các môn thể thao giải trí ngày càng tăng, cũng như nhận thức ngày càng cao về tính bền vững, tự chăm sóc và lối sống lành mạnh".
Người tiêu dùng đơn lẻ sẽ là chìa khóa cho tiêu dùng hiện tại và trong tương lai, thúc đẩy các thương hiệu suy nghĩ kỹ về các giả định và hiểu sâu sắc về nhóm nhân khẩu học này.