"Tôi cảm thấy rất khó khăn mỗi lần tắt điện thoại. Tôi thực sự nghiện điện thoại", Shafier chia sẻ khi chuẩn bị bước vào sự kiện do Câu lạc bộ Ngoại tuyến tổ chức ở London ngày 12/2.
Vé cho buổi "thải độc kỹ thuật số" kéo dài hai giờ đã bán hết sạch cho hơn 150 người trẻ, chủ yếu từ 20 tới 35 tuổi, những người háo hức chia tay điện thoại để tham gia một buổi giao lưu xã hội ngoài đời thực. Họ phải trả gần 12 USD cho cơ hội tắt điện thoại và kết nối trực tiếp với con người.
"Chúng tôi là thế hệ sinh ra vào thời đại công nghệ, nhưng nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn kết nối lại với thế giới thực", Bianca Bolum, 25 tuổi, thợ kim hoàn, chia sẻ.

Theo Ofcom, cơ quan giám sát truyền thông và viễn thông của chính phủ Anh, thanh niên trong độ tuổi 25-34 ở Anh mỗi ngày dành trung bình 4 giờ 3 phút cho điện thoại thông minh.
Liliann Delacruz, 22 tuổi, dành 10 tiếng mỗi ngày để nhắn tin cho gia đình, bạn bè, lướt web, lướt mạng xã hội. Sự kiện tối 12/2 là cơ hội để cô rời khỏi thế giới điện thoại.
Khắp căn phòng trong nhà thờ ở London là những chiếc bàn dài bày nhiều trò chơi giữa tiếng ồn ào phấn khích. Harry Stead, 25 tuổi, kỹ sư, cảm giác được "giải thoát" khi để lại điện thoại ở cửa.
"Tôi không nhận ra mình nghiện điện thoại, lúc nào tôi cũng muốn nhìn vào điện thoại, tay lướt web", Stead nói, cho hay bản thân mắc chứng FOMO (sợ bỏ lỡ).

Shafier, 35 tuổi, đến cùng bạn. Họ vừa ngồi khâu vá vừa trò chuyện. Nếu ở nhà, cô sẽ để điện thoại ngay bên cạnh. "Tôi ghét việc bản thân sử dụng điện thoại quá nhiều, tôi tức giận về chính mình", cô nói. Có điều, khi tối hôm đó kết thúc, cô lập tức mở điện thoại lướt web.
Một điều trớ trêu là những người tham gia sự kiện biết đến câu lạc bộ nhờ mạng xã hội. Ben Hounsell, 23 tuổi, nhà tổ chức, cho hay không phản đối công nghệ hay kêu gọi mọi người bỏ điện thoại.
"Nhiều người nhận ra chỉ cần tránh dùng điện thoại trong vài giờ cũng rất hữu ích", Hounsell nói.
Từ khi câu lạc bộ thành lập vào cuối tháng 10/2024, đã có hơn 2.000 người tham gia. "Câu lạc bộ đang lớn mạnh nhanh chóng ở London. Mọi sự kiện đều bán hết vé ngay lập tức", anh cho biết.
Câu lạc bộ cũng mở chi nhánh ở Paris, Barcelona và Dubai. Câu lạc bộ Ngoại tuyến đầu tiên vốn do Ilya Kneppelhout và hai người bạn mở ra ở Amsterdam.
"Đại dịch cô đơn và suy giảm sức khỏe tâm thần đang gia tăng. Vì vậy, người ta tìm kiếm kết nối thực sự với những người tránh xa màn hình", Kneppelhout nói. "Nhiều người nghiện mạng xã hội và điện thoại vì chúng ta vẫn sử dụng chúng ngay cả khi không muốn. Chúng ta dùng chúng dù biết rõ việc đó không khiến bản thân cảm thấy khá hơn".

Kneppelhout lấy cảm hứng từ những câu lạc bộ đọc sách như Reading Rhythms ở New York hay Silent Book Club. Những người muốn "thải độc" sâu hơn có thể tham gia các khóa "đi trốn" dài ngày ở nước ngoài.
Một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang dẫn đầu xu hướng này. Lena Mahfouf, người Pháp, hồi tháng 11/2024 thông báo với hàng triệu người theo dõi cô rằng cô sẽ "đi trốn" trong một tháng.
Venetia La Manna, nhà hoạt động vì thời trang bền vững, cuối tuần nào cũng ngắt kết nối điện thoại trong hai ngày. Cô thông báo với những người theo dõi bằng hashtag #offline48.
"Tôi có nhiều thời gian ở bên cạnh người thân hơn, ngủ ngon hơn, có nhiều thời gian sáng tạo hơn, được hòa mình vào thiên nhiên và ở bên gia đình, bạn bè", cô nói.
Anna Cox, giáo sư về tương tác giữa người và máy tính tại Đại học London, cho rằng đối với đa số mọi người, "vấn đề thực sự chưa chắc là sử dụng công nghệ gây hại cho sức khỏe tâm thần mà là bỏ lỡ cơ hội. Ta đã không làm việc gì vì mải lướt web?".
"Bạn có bỏ lỡ cuộc trò chuyện với người yêu hay không, hay thức khuya hơn dự định và trì hoãn rửa bát?", Cox nói.
Nhưng bà cho biết có nhiều cách giúp mọi người giảm thời gian sử dụng điện thoại như tắt thông báo hoặc chuyển giao diện điện thoại sang màu đen trắng.
"Chúng ta cần tự giác, đặc biệt là thanh niên, học cách kiểm soát bản thân khi sử dụng thiết bị điện tử", bà nói.