Trung Quốc đề xuất luật để người dân dễ kết hôn, khó ly hôn

Trung Quốc đã đưa ra một dự thảo luật sửa đổi sẽ giúp các cặp đôi dễ dàng đăng ký kết hôn hơn, trong khi việc nộp đơn xin ly hôn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Cặp đôi chụp ảnh cưới. Ảnh minh hoạ: Straitstimes
Cặp đôi chụp ảnh cưới. Ảnh minh hoạ: Straitstimes

Dự thảo nhằm mục đích xây dựng một “xã hội thân thiện với gia đình”, đã được Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào tuần này để lấy ý kiến phản hồi của công chúng. Bộ này cho biết người dân có thể gửi góp ý xây dựng dự thảo cho đến ngày 11/9.

Dự thảo trên được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn khuyến khích các cặp đôi trẻ kết hôn và sinh con sau khi dân số nước này giảm trong 2 năm liên tiếp.

Văn bản này cũng đề xuất xóa bỏ các hạn chế khu vực đối với kết hôn như luật trước đây, khi việc đăng ký kết hôn sẽ được xử lý tại địa điểm đăng ký hộ khẩu của cặp đôi.

Dự thảo cho biết các vụ ly hôn sẽ phải trải qua thời gian cân nhắc 30 ngày. Trong thời gian đó, nếu một trong hai bên không muốn ly hôn, họ có thể rút đơn, chấm dứt quá trình đăng ký ly hôn.

Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị cư dân mạng chỉ trích và trở thành chủ đề thịnh hành hàng đầu trên mạng ngày 15/8.

“Kết hôn thì dễ nhưng ly hôn thì khó. Thật là một quy định khó hiểu”, một cư dân mạng viết trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút hàng chục nghìn lượt thích.

Ông Jiang Quanbao, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, nói với tờ Global Times rằng quy định này nhằm mục đích “thúc đẩy tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình”, giảm tình trạng ly hôn bốc đồng, duy trì sự ổn định xã hội và bảo vệ tốt hơn các quyền hợp pháp của các bên liên quan.

Theo dữ liệu chính thức, số lượng các cặp đôi Trung Quốc kết hôn trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 498.000 so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,43 triệu cuộc hôn nhân, mức thấp nhất kể từ năm 2013, vì ngày càng nhiều người trẻ trì hoãn việc kết hôn.

Hôn nhân thường được coi là điều kiện tiên quyết để có con do các chính sách phổ biến, bao gồm chính sách yêu cầu cha mẹ phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn để đăng ký khai sinh cho con và nhận trợ cấp.

Các nhà nhân khẩu học cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng xuất phát từ sự mất cân bằng giới tính và sự thay đổi về hành vi, ứng xử của đại bộ phận giới trẻ hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ Trung Quốc đang chọn cách sống độc thân hoặc trì hoãn việc kết hôn do lo lắng về an ninh việc làm và triển vọng tương lai của họ khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phát triển chậm lại. Nhiều người cũng quan ngại về chi phí liên quan đến việc nuôi dạy con cái.

Theo chuyên gia Kinh tế cấp cao tại Ngân hàng đầu tư Natixis - Gary Ng, việc giảm tỷ lệ kết hôn sẽ làm giảm tỷ lệ sinh sản, gây ảnh hưởng đến lực lượng lao động tại Trung Quốc. Số lượng người về hưu sẽ lớn hơn khi lực lượng lao động hiện tại đến tuổi nghỉ hưu.

Ông James Chin - Giáo sư nghiên cứu châu Á, Đại học Tasmania, Australia cho biết: “Các nhà Kinh tế học khá lo lắng nếu sự mất cân bằng tuổi tác vẫn tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng hơn”.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cảnh báo quỹ hưu trí nhà nước có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2035 do số lượng người về hưu ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp khuyến khích từ chính phủ nhằm thúc đẩy hôn nhân và gia tăng tỷ lệ sinh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Giới chức Trung Quốc đã bãi bỏ giới hạn về số lượng con cái trên mỗi cặp vợ chồng từ năm 2021, đảo ngược hoàn toàn chính sách một con được thực hiện từ năm 1979 nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng tại đất nước này.

Theo Giáo sư James Chin, việc dỡ bỏ những quy định về con cái có thể giúp gia tăng số lượng người trẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng quan ngại về vấn đề thiếu hụt lao động trong và ngoài nước sẽ gây cản trở năng suất kinh tế tại đất nước tỷ dân này.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Ăn cưới đắt đỏ

Ăn cưới đắt đỏ

Bước vào cửa khách sạn tổ chức tiệc cưới của bạn, Thùy Chi hơi sững người vì mức độ sang trọng nên lén bóc phong bì bỏ thêm 500.000 đồng tiền mừng.
Những người đi làm như thất nghiệp

Những người đi làm như thất nghiệp

Mỗi ngày ở công ty của Bảo Minh thường chỉ có hai tiếng "làm việc" thực sự bằng cách dùng ChatGPT soạn 8 nội dung để đăng fanpage, 6 tiếng còn lại để xem phim.
Cụ bà 102 tuổi nhảy dù từ độ cao 2.100m

Cụ bà 102 tuổi nhảy dù từ độ cao 2.100m

Vừa qua, thế giới đã chứng kiến màn trình diễn đầy dũng cảm và bất ngờ khi bà Manette Baillie, một phụ nữ 102 tuổi đến từ ngôi làng Benhall Green ở phía Đông vùng England, nước Anh, đã thực hiện cú nhảy dù ngoạn mục từ độ cao hơn 2.100 m.
Thành 'vua ẩm thực' nhờ trúng số

Thành 'vua ẩm thực' nhờ trúng số

Năm 20 tuổi, Kei Kurusu trúng độc đắc 200 triệu yen nhưng không nói với gia đình mà dành để đi ăn nhà hàng thỏa đam mê, sau đó viết sách, mở nhà hàng.
Vụ trộm cầu 60 tấn gây xôn xao nước Nga

Vụ trộm cầu 60 tấn gây xôn xao nước Nga

Công trình khổng lồ thời Liên Xô – một cây cầu trọng lượng 60 tấn đã biến mất khỏi Vùng Ryazan của Nga. Cơ quan chức năng Nga đang điều tra vụ trộm cây cầu đường sắt kim loại này.