Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo Luật phòng chống mua, bán người

Hôm nay (27/10) Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật phòng chống mua, bán người; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống mua, bán người, đại biểu Trần Tiến Dũng - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các đại biểu trong Đoàn cho rằng: về cơ bản, thống nhất với tên gọi của luật là “Luật phòng chống mua, bán người” bởi 3 lý do. Thứ nhất là trong thời gian qua đã phát hiện hàng ngàn vụ mua, bán người với các hành vi mua bán tinh vi và có chiều hướng gia tăng chủ yếu là lừa bán, lợi dụng chủ trương cho kết hôn với người nước ngoài, lợi dụng tạo việc làm, thu nhập ổn định... Thứ 2 là việc ban hành luật này phù hợp với Bộ Luật Hình sự và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta. Thứ ba là phù hợp với Công ước quốc tế.

Các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh trong một phiên thảo luận tổ trong kỳ họp gần đây

Về những nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật lần này đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ngoài những hành vi mua, bán có bổ sung thêm các hành vi liên quan (chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ...); đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Liên quan đến các biện pháp bảo vệ nạn nhân (điều 29), về cơ bản, đại biểu thống nhất như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 1 điều này, hầu như không có tính khả thi, không thể thực hiện được vì đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Về nguồn ngân sách để đảm bảo công tác này, đề nghị không nên đưa vào trong Luật vì đã có Luật Ngân sách điều chỉnh.

Về tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí cao với sự ban hành Dự thảo Luật này, tuy nhiên cần phải làm rõ hành vi như thế nào là mua, thế nào là bán để thuận lợi trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm tránh tình trạng bỏ sót các hình vi khác có liên quan.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, Nhà nước không nên thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà nên đưa nạn nhân vào trung tâm bảo trợ xã hội. Sở dĩ như vậy là bởi, mặc dù Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về đã cho phép thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nhưng đến nay trên toàn quốc chỉ mới thành lập tại hai tỉnh là Lào Cai, An Giang; các cơ sở này được kết hợp vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh và không có khó khăn, vướng mắc gì lớn trong quá trình hoạt động. Một yếu tố nữa cho thấy, tội phạm mua bán người không xảy ra một cách thường xuyên, liên tục trên tất cả các địa bàn trong mọi thời điểm. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các cơ sở hỗ trợ nạn nhân với tư cách là một tổ chức độc lập ở tất cả các tỉnh, thành phố sẽ gây rất nhiều tốn kém và lãng phí. Hơn nữa, hiện nay ở tất cả các tỉnh, thành phố đều đã thành lập trung tâm bảo trợ xã hội thuộc sở LĐTB-XH. Vì vậy sẽ hợp lý hơn nếu bổ sung chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán và tăng cường đầu tư cho các trung tâm này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thảo luận Dự thảo Luật này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói