Ông Joe Biden tiết lộ nhiều kế hoạch quan trọng thời gian tới

(Baohatinh.vn) - Phát biểu tại thành phố quê nhà Wilmington, bang Delaware ngày 16/11, ông Joe Biden đã tiết lộ nhiều kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Mỹ dưới thời Biden - Harris.

Ông Joe Biden tiết lộ nhiều kế hoạch quan trọng thời gian tới

Tổng thống đắc cử Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware, hôm 16/11. (Ảnh: AFP)

Mặc dù kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn chưa được công bố, nhưng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được các hãng truyền thông uy tín dự đoán sẽ giành chiến thắng và đã được nhiều lãnh đạo thế giới gửi lời chúc mừng, gọi ông bằng danh xưng mới là “Tổng thống đắc cử của Mỹ”, trong khi ông Trump cáo buộc có “gian lận bầu cử” và từ chối nhượng bộ.

Phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware ngày 16/11, ông Joe Biden đã tiết lộ về những kế hoạch kinh tế của chính quyền Mỹ dưới thời Biden - Harris, bày tỏ rõ tham vọng của mình liên quan đến chính sách thuế, cơ cấu tiền lương và các gói cứu trợ.

Giới thiệu về kế hoạch kinh tế sắp tới, ông Joe Biden nhắc lại khẩu hiệu tranh cử “Build Back Better” (Xây dựng lại tốt đẹp hơn) của mình đồng thời cam kết sẽ đối phó với đại dịch Covid-19 đang tàn phá nghiêm trọng nước Mỹ.

“Một khi chúng tôi ngăn chặn được loại virus đó và đưa ra những gói cứu trợ kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp, là khi chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng lại tốt đẹp hơn trước đây”, ông Biden nói.

Việc làm, tiền lương và thuế

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cam kết kế hoạch kinh tế mới sẽ giúp tạo ra 3 triệu việc làm được trả lương thỏa đáng, cùng với đó sẽ tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

“Khi chúng tôi xây dựng lại tốt đẹp hơn, chúng tôi sẽ làm như vậy. Với mức lương cao hơn, bao gồm mức lương tối thiểu 15 USD/giờ trên toàn quốc. Nhiều lợi ích tốt hơn, quyền thương lượng tập thể mạnh mẽ hơn… sẽ giúp các bạn có thể nuôi sống gia đình”, ông Biden khẳng định.

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng gợi ý rằng sẽ tạo ra một cơ cấu thuế công bằng. Ông lưu ý, kế hoạch kinh tế mới sẽ không nhằm chống lại hoạt động kinh doanh, mà thay vào đó, những người giàu có, cùng với các công ty lớn, sẽ phải trả thuế một cách công bằng.

Ông Biden cũng cam kết rằng sẽ không có một hợp đồng của chính phủ nào được ký kết đối với các công ty không sản xuất hàng hóa trên đất Mỹ.

“Sẽ không có hợp đồng chính phủ nào được trao cho các công ty không sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ”, ông nói.

Gói cứu trợ Covid-19

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng gói cứu trợ Covid-19 “ngay bây giờ”.

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng thúc giục Tổng thống đương nhiệm Donald Trump bắt đầu điều phối các kế hoạch tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn quốc, cảnh báo rằng nhiều người có thể chết “nếu chúng ta không hợp tác”.

“Thêm nhiều người có thể chết nếu chúng tôi không phối hợp. Làm thế nào để hơn 300 triệu người Mỹ được tiêm chủng? Đó là việc vô cùng quan trọng cần phải làm. Nếu phải đợi đến ngày nhậm chức 20/1 để bắt đầu lập kế hoạch đó, chúng tôi có thể bị chậm kế hoạch hơn một tháng rưỡi. Vì vậy, điều quan trọng là kế hoạch phải được thực hiện, cần có sự phối hợp ngay bây giờ”, ông Biden nói.

Chính sách thương mại

Trong khi né tránh trả lời liệu Washington có nên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand – hay không, Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải “phù hợp với các nền dân chủ khác” trong việc thiết lập các quy tắc cho thương mại thế giới.

Hiệp định RCEP đã được ký kết hôm 15/11, giúp hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi trong thời gian tới.

(Theo Sputnik)

Đọc thêm

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.