Trong khi Paro - chú robot đáng yêu có hình dạng một chú hải cẩu lông mượt trắng tinh đang làm nũng với cụ bà thì Pepper, một chú robot mang hình dáng con người đang bắt nhịp cho các cụ già khác tập thể dục tập thể dục. Thi thoảng, Pepper cất giọng đáng yêu động viên các cụ: "Phải, trái, làm tốt lắm!". Đó là những hình ảnh thường thấy trong Viện an dưỡng Shin-tomi ở Tokyo, nơi đang sử dụng 20 robot với các chức năng khác nhau để chăm sóc cho những cụ già sống trong viện.
|
Robot Pepper đang bắt nhịp cho các cụ già tập thể dục tại Viện an dưỡng Shin-tomi. |
Nhật Bản được mệnh danh là xã hội “siêu già” với tốc độ lão hóa dân số nhanh. Tính đến đầu năm 2018, độ tuổi trung bình của Nhật Bản là 47, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm tới gần 23% dân số. Do đó, Nhật Bản là quốc gia đi tiên phong trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề về xã hội, kinh tế và y tế khắc phục vấn đề này.
Đối với phương Tây, để robot chăm sóc người già là một điều kỳ lạ bởi họ coi đây là một công việc cần tới sự tỷ mỷ, cẩn thận của con người. Tuy nhiên, truyền thông của Nhật Bản cho rằng công việc này rất hữu ích, hiệu quả và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.
Sau buổi tập thể dục với robot Pepper của Tập đoàn SoftBank, cụ ông Kazuko Yamada, 84 tuổi chia sẻ: "Chú robot này thực sự tuyệt vời. Nó còn có thể trò chuyện, làm cho cuộc sống của tôi vui vẻ và bớt cô đơn".
Dù rất hữu dụng nhưng việc đưa robot vào chăm sóc người già còn gặp rất nhiều trở ngại như: Chi phí đắt đỏ, các vấn đề an toàn và nghi ngờ về các hữu ích đối với người sử dụng. Giá của một chú robot hải cẩu Paro lên tới 400.000 Yên (khoảng 3.800 USD) ở Nhật Bản; hay như robot giường nằm Resyone của Panasonic có giá tới 900.000 Yên (8.600 USD), một số tiền quá đắt đỏ.
|
Một cụ già tại Viện an dưỡng Shin-tomi đang vỗ tay để gọi các chú robot Aibo. |
Tuy nhiên, các nhà chức trách khẳng định, robot chăm sóc người già không thể thay thế hoàn toàn bàn tay của con người. Mục đích của những chú robot là nhằm hỗ trợ con người, cải thiện môi trường làm việc, cũng như vực dậy tinh thần vui tươi cho những người già tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng đây sẽ là một mô hình hiệu quả để họ có thể khai thác thế mạnh sản xuất và chế tạo robot của nước nhà để giúp giải quyết tình trạng dân số già và sụt giảm nhân công. Trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người già để giúp “lấp đầy” khoảng 380.000 lao động chuyên môn dự kiến vào năm 2025.
Mặc dù trước đó Nhật Bản cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại các viện dưỡng lão, nhưng số lượng lao động vẫn thiếu nghiêm trọng do rào cản về ngôn ngữ. Tính đến cuối năm 2017, chỉ có 18 người nước ngoài được cấp thị thực chăm sóc điều dưỡng, một hạng thị thực mới xuất hiện từ năm 2016.
Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, các nhà chức trách và công ty Nhật Bản đang hướng tới tiềm năng xuất khẩu robot sang Đức, Trung Quốc, Italia… trong tương lai gần. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu đi các nước như: Tập đoàn Panasonic đã cung cấp giường-xe lăn cho người khuyết tật ở Đài Loan, hải cẩu Paro được sử dụng như "thú cưng trị liệu" ở Đan Mạch…
Ông Atsushi Yasuda, Giám đốc Văn phòng Chính sách Robot tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhận định: "Đây là cơ hội cũng như thách thức lớn cho chúng tôi. Trong tương lai, các nước khác sẽ cũng đi theo xu hướng này."
Trong năm qua, hơn 100 nước đã đến thăm quan các mô hình robot tại viện dưỡng lão Shin-tomi bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Hà Lan.