Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông tại khu mộ Đại danh y.
Phát biểu khai hội, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Võ Văn Phúc khái lược những đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đối với nền y học nước nhà. Với kiến thức uyên thâm, am hiểu thời vận, suốt một đời làm thuốc, nghiên cứu và chữa bệnh cứu người, Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho đời sau những di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” với 66 tập.
Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Chín điều “Y huấn cách ngôn” trở thành khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.
Đã thành thông lệ, hàng năm, đúng ngày rằm tháng Giêng - ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, nhân dân cùng những người công tác trong nghề y lại tề tựu về khu mộ và nhà thờ Đại danh y (tại xã Sơn Trung và Sơn Quang, huyện Hương Sơn) dự Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với nền y học và văn hóa nước nhà.
Lễ hội có ý nghĩa to lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Đặc biệt, sau khi Khu lưu niệm Đại danh y được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì lễ hội đã được hồi sinh và ngày càng phát triển về quy mô, nội dung, hình thức.
Lễ hội đã góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết, đồng thời quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất Hương Sơn nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.
Sau khi hồi trống khai hội của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, lễ hội bước vào phần lễ tế tại nhà thờ Lê Hữu Trác ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang.
Lãnh đạo tỉnh đặt lễ và dâng hương tại nhà thờ Lê Hữu Trác
Nghi thức lễ tế
Tối nay, tại Khu sinh thái Hải Thượng, huyện Hương Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 226 năm ngày mất Hải Thượng Lãn Ông.