Sân bóng thị xã một thời và những dấu ấn khó quên của bóng đá “phủi” Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhắc đến sân chơi dành cho bóng đá “phủi” ngày trước, những người đam mê trái bóng tròn lại nghĩ đến sân bóng thị xã Hà Tĩnh, nơi được xem là “cái nôi” sinh ra những tài năng trong giới này.

Theo anh Thanh Tuấn - cựu cầu thủ thuộc thế hệ đầu tiên của CLB Bóng đá Hà Tĩnh, từ lúc anh còn bé, sân bóng thị xã (có người gọi là sân chiều tà, sân ủy ban - sau này gọi là sân quảng trường thành phố) ngay cạnh nhà đã thu hút rất nhiều người về tập luyện, chơi bóng. Từ mảnh sân này, nhiều cầu thủ đã bước vào con đường chơi bóng chuyên nghiệp như: Nguyễn Ánh Cường (người đá cặp cùng Phạm Văn Quyến tại Vòng chung kết U16 châu Á 2000), Nguyễn Trường Thi, Đặng Đôn Hoàn (nhiều năm thi đấu cho CLB Bóng đá Hà Tĩnh). Và, không thể không kể đến những cầu thủ “phủi” tài năng như: Quốc Tế, Giang “Thanh”, Bằng “Sport”, Sơn “Tiêu”...

Bằng Sport - người luôn ấp ủ giấc mơ nâng tầm bóng đá phong trào Hà Tĩnh.

Ngày ấy, sân chiều tà chẳng ai xa lạ gì với trọng tài Thắng “Cự” hay ông chủ cửa hàng thể thao Phúc “Sport”. Những tháng ngày chơi bóng tại đây đã nuôi dưỡng trong họ niềm đam mê trở thành những huấn luyện viên (HLV), dìu dắt các em nhỏ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đến với trái bóng tròn. CLB bóng đá cộng đồng PTF ra đời năm 2018 là một dự án đồng thời cũng là đứa con tinh thần mà HLV Phúc “Sport” đã ấp ủ trong suốt nhiều năm đào tạo bóng đá trẻ tại đây.

Nói về bóng đá phủi, Bằng “Sport” đã có những chia sẻ rất đời thường khi chứng kiến những đổi thay của sân chơi này qua gần hai thập kỷ: “Sân bóng “phủi” là khi ra sân bụi bặm thì mình phủi đi, ấy là “phủi”. Nói một cách ví von thì là mình phủi đi những lấn cấn, lo toan trong cuộc sống”. Ngày ấy, cứ sáng sớm tinh mơ hay mỗi chiều tà, sân bóng này trở thành sân tập của nhiều lứa “phủi” tại Hà Tĩnh. Mỗi đội từ 8 - 9 người, đá chân trần, cầu môn là vài viên gạch hay chiếc áo, đôi giày… Thiếu thốn, đơn sơ nhưng những trận đấu vẫn diễn ra quyết liệt, hấp dẫn, nhiệt huyết trong từng pha bóng.

Bóng đá “phủi” ở sân bóng này cũng có những luật chơi hết sức thú vị, độc đáo. Chẳng hạn như: sau 10 phút thi đấu bất phân thắng bại, phải đá penalty để tìm đội thắng - thua; nếu bóng vào gôn nhưng cao quá đầu gối thì không được tính; các trận đấu không có đá phạt góc, chạm bóng bằng tay thì trả về gôn chứ không đá phạt tại chỗ… Tất cả đều hào hứng với luật chơi: “Gôn gạch 3 mét, thua ra được vào” (đội nào thua một bàn ngay lập tức phải rời sân, nhường chỗ cho đội khác vào). Chuyện một buổi chiều có đến 5 - 6 đội tranh nhau đăng ký để được luân phiên thi đấu trên sân bóng này vẫn thường xuyên diễn ra.

Một trận bóng đá được tổ chức trên sân vận động thị xã năm 1990. Ảnh Sỹ Ngọ

Không chỉ giới “phủi” đến chơi bóng vì đam mê và rèn luyện sức khỏe, nơi này còn thu hút cả dân chuyên nghiệp đến tham gia nhiều trận đấu. Sân bóng thô sơ, gồ ghề này từng chứng kiến nhiều trận thư hùng giữa hai người hàng xóm: Sông Lam Nghệ An và Thành Sen, Giải bóng đá tranh Cup Bia Sài Gòn hay nơi tổ chức các giải bóng đá thiếu niên - nhi đồng. Nhiều giải đấu cấp phường, xã được tổ chức tại đây thu hút đông đảo người hâm mộ đến theo dõi, cổ vũ.

Cuối năm 2018, sau khi được cải tạo, chỉnh trang lại, địa điểm này không còn được tổ chức các hoạt động thể thao. Mặc dù vậy, tinh thần bóng đá, nhiệt huyết của các “phủi thủ” vẫn luôn sôi nổi. Với sự bắt nhịp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhiều sân bóng “phủi” được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút các bạn trẻ tham gia. Tại những sân bóng này, những gương mặt kỳ cựu của bóng đá “phủi” Hà Tĩnh lại tiếp tục niềm đam mê với trái bóng tròn. Họ cũng chính là những người đứng ra kêu gọi thành lập các đội bóng, tổ chức các giải đấu. Tiêu biểu như Bằng “Sport”, Phúc “Sport”…

Giải Bóng đá nam các dòng họ Hà Tĩnh hằng năm thu hút sự tham gia của giới bóng đá “phủi”.

Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh có tới hàng chục đội bóng hoạt động thường xuyên và hằng năm có hơn 20 giải bóng đá phong trào lớn nhỏ được tổ chức như: Giải từ thiện tranh Cúp Bằng Sport; Giải bóng đá vô địch các dòng họ Hà Tĩnh; Giải bóng đá tranh Cup Phú Quang; Giải bóng đá doanh nghiệp Hà Tĩnh mở rộng; Giải bóng đá chào xuân Hà Tĩnh... Đây chính là những sân chơi để những cầu thủ “phủi” thi thố tài năng và thỏa mãn niềm đam mê.

Sân quảng trường thành phố giờ không còn là nơi để thi đấu và xem bóng đá nhưng những ai từng đam mê bóng đá “phủi” đều bừng lên sự hoài niệm mỗi lần qua đây. Những câu chuyện về bóng đá “phủi”, những giải “phủi” đơn sơ mà sôi nổi đã trở thành mảnh ký ức đẹp đẽ một thời của người Thành Sen.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói