Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và lãnh đạo các ban, ngành
Thực hiện Kết luận 144/KL/TU, ngày 28/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về thẩm quyền, cơ cấu, số lượng, quy trình lựa chọn nhân sự và sắp xếp cán bộ khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 - 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn đã rà soát tình hình, dự kiến phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ xã Kim Hoa trên cơ sở sáp nhập từ 3 xã: Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy.
Theo đó, thực hiện sắp xếp bộ máy đối với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, cán bộ công chức (các đối tượng đủ tuổi nghỉ hưu, nghỉ trước tuổi, vận động nghỉ việc), 3 xã đã giảm được 14 người.
Theo phương án sắp xếp giải quyết cán bộ dôi dư, về cấp ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn sẽ vận động 3 đồng chí dôi dư thôi tham gia cấp ủy để đảm bảo 25 đồng chí tham gia cấp ủy.
Bí thư huyện ủy Hương Sơn Trần văn Kỳ: Trong quá trình thực hiện sắp xếp cán bộ khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, BTV huyện ủy Hương Sơn đã làm rất công khai, khách quan, minh bạch.
Đối với ban thường vụ gồm 6 đồng chí, sẽ bố trí bí thư kiêm chủ tịch HĐND; 3 phó bí thư; 1 phó chủ tịch HĐND; 1 phó chủ tịch UBND hoặc chủ tịch MTTQ.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nếu sắp xếp theo Nghị định 34 còn dư 15 người; sắp xếp theo Nghị quyết 156 còn dư 19 người.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Mai Trần Thanh Nga: Đối với người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập, trước mắt, đề nghị bố trí cán bộ theo Nghị định 34 để đảm bảo công việc thực tiễn ở cơ sở.
Theo phương án giải quyết cán bộ, công chức chuyên môn dôi dư của Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn, đối với 3 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, đề nghị chủ trương điều lên huyện một thời gian, khi có vị trí, tiếp tục bố trí công việc phù hợp.
Đối với công chức chuyên môn (dư 16 người), sẽ vận động nghỉ việc đối với một số trường hợp... Tạm thời chưa xem xét, tuyển dụng công chức thiếu ở các xã không sáp nhập để cân dối dôi dư trong toàn huyện, đến cuối năm 2025, cơ bản bố trí được số công chức dôi dư.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Phan Văn Đoài: Cán bộ, nhân dân đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập 3 xã làm 1. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay đó là việc bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương đồng tình cao với chủ trương, phương án sáp nhập xã. Quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ. Việc đặt tên gọi xã sau sáp nhập được nhân dân đồng thuận cao.
Tại buổi làm việc, các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn đã nêu một số khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp, thực hiện chính sách đối với cán bộ công chức dôi dư do số lượng quá lớn (toàn huyện 51 người) trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng hướng dẫn, giải đáp, làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất của các địa phương
Các đại biểu huyện Hương Sơn cũng kiến nghị, trước mắt đến đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2015 vẫn bầu cấp ủy, ban thường vụ và các chức danh theo Kết luận 144; cho chủ trương đặc thù bố trí cán bộ chuyên trách HĐND xã.
Đối với công chức, trước mắt bố trí theo Nghị định 34, chưa thực hiện theo Nghị quyết số 156 của HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Hà Tĩnh đã ban hành chính sách khá kịp thời và ở mức cao hơn một số tỉnh. Đây cũng là chính sách nhằm động viên đối với các các bộ, công chức nghỉ trước thời hạn, đồng thời nhằm thực hiện nhanh, hiệu quả công tác sáp nhập, tinh gọn bộ máy.
Về chính sách, cần linh động áp dụng cho tất cả các đối tượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và thời gian thực hiện ngay sau khi nghị quyết 164 có hiệu lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Hương Sơn cần tiếp tục làm tốt công tác đánh giá cán bộ, cân nhắc số lượng trong ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025 đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; cần tuyên truyền sâu rộng hơn đến cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ dôi dư, nghỉ trước thời hạn về các chế độ chính sách.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Việc sáp nhập xã phải hoàn thành trong năm 2019, đây là thực hiện 2 Nghị quyết của Trung ương. Không có chuyện chậm mà chắc mà phải làm đến đâu chắc đến đó. Sau sắp xếp phải đảm bảo tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn tiếp tục chủ động rà soát cán bộ, đảm bảo chất lượng, khách quan, công khai để khi có hướng dẫn của Trung ương là triển khai ngay; tập trung tuyên truyền về việc rà soát, đánh giá, sắp xếp cán bộ; chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức nghỉ trước thời hạn… tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ.
Quá trình triển khai, Ban Tổ chức huyện ủy và các cơ quan, đơn vị khác phải phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ. Phân công chỉ đạo, thành lập các tổ công tác do các đồng chí Ban Thường vụ là tổ trưởng làm từng bước chặt chẽ, cụ thể.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn địa phương, chủ động bám sát các hướng dẫn trung ương để triển khai thực hiện đảm bảo lộ trình, hiệu quả.