Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái cùng các thành viên Ban chỉ đạo Kết luận 05 tỉnh cùng dự buổi làm việc này.
Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Trần Bá Tú: Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính đối với các xã có quy mô dân số dưới 3.000 dân sẽ ảnh hưởng tâm lý, tư tưởng cán bộ, nhân dân, nhất là các xã đăng ký về đích NTM 2016 – 2017
Thực hiện Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh, Kết luận 05 của BTV Tỉnh ủy và các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Đức Thọ đã tập trung rà soát, kiện toàn củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; tổ chức sáp nhập một số cơ quan, đơn vị, trường học; sáp nhập địa giới hành chính một số thôn xóm trên địa bàn huyện; nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở huyện và 4 xã, thị trấn. Ở thôn, xóm, tổ dân phố đã bố trí 100% đống chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận.
Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Phan Thị Phúc: Chủ trương sáp nhập bộ máy, tinh giảm biên chế đã được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền rộng rãi và nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Theo đánh giá của BTV huyện ủy Đức Thọ, việc tổ chức sáp nhập các cơ quan, đơn vị đã mang lại hiệu quả khá rõ như: đảm bảo quy mô dân số thôn xóm, trường lớp, giảm được sự đóng góp của nhân; giảm đầu mối trung gian đảm bảo mọi hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thực hiện Kết luận 05, Đức Thọ xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”. Theo đề án, lộ trình thực hiện tổ chức bộ máy, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, các cơ quan cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa một số chức danh sẽ được triển khai thực hiện từ 2016 - 2021.
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Việc triển khai thực hiện tinh giảm bộ máy, biên chế là thiết thực, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và xu thế phát triển của huyện trong thời gian tới.
Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm, tác động tích cực của đề án là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang: Trong đề án cần làm rõ hơn về giảm cán bộ công chức cấp xã, xem xét tính khả thi.
Về tổ chức bộ máy ở các cơ quan huyện sau khi đề án được thực hiện sẽ giảm ít nhất 15 đầu mối các cơ quan đơn vị; đến 2021 giảm hơn 10% so với quy định. Bên cạnh đó sẽ tiết kiệm được trụ sở làm việc, giảm nhu cầu đầu tư mới cho xây dựng cơ bản, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái: Sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quan trọng để Đức Thọ triển khai đề án sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế một cách khả thi và hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận huyện Đức Thọ đã có quyết tâm chính trị cao, xây dựng đề án khá tổng thể, lộ trình thực hiện rõ ràng. Đề án có tính kế thừa, phát huy những mặt tích cực từ thực tiễn đã thực hiện trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ Kết luận 05 đến tất cả mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tổ chức thực hiện đảm bảo quy trình. Tiến hành từng bước, thận trọng, làm đến đâu chắc chắn đến đó và đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện. Tránh làm đơn giản, nóng vội, áp đặt; kế thừa những kết quả của địa phương thời gian qua; học tập kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước nhưng phải sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của tỉnh Hà Tĩnh.
Cùng đó, huyện cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ, không vì nể nang lợi ích cá nhân. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời nêu kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh để có hướng chỉ đạo phù hợp.