Giá xi măng tăng từ 50 – 70 ngàn đồng/tấn tuỳ loại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm nay, giá xi măng đã được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng từ 50 – 70 ngàn đồng/tấn tuỳ loại. Theo lý giải của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giá điện, giá xăng dầu đồng loạt tăng khiến chi phí đầu vào cho sản xuất xi măng tăng mạnh. Điều này khiến doanh nghiệp xi măng buộc phải tăng giá bán để ổn định sản xuất. Vì vậy, sau thép và cát, giá xi măng tăng là điều dự báo từ trước.
Khởi công xây nhà vào đúng thời điểm “bão giá” vật liệu xây dựng làm gia đình chị Nguyễn Mai Lan (Thạch Đài, Thạch Hà) phải “cân lên đặt xuống” từng loại chi phí nhỏ.
Khởi công xây dựng trong đợt "bão giá" khiến nhiều công trình chi phí bị đội lên
Chị Lan cho biết: “Cát khan hiếm, giá tăng thì ngay sau đó lại nhận được báo giá xi măng tăng khiến gia đình trở tay không kịp. Vật liệu tăng khiến chi phí xây dựng nhà tăng cao hơn nhiều so với mức dự toán ban đầu”.
Nhiều nhà thầu xây dựng cũng đang như “ngồi trên lửa” vì giá xi măng tăng cao. Anh Nguyễn Đăng Nam – một chủ thầu ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) lo lắng chia sẻ: “Chúng tôi đang thi công một số công trình trên địa bàn huyện Can Lộc. Các nguyên vật liệu đầu vào trong đó có xi măng thời gian gần đây tăng mạnh, khiến chi phí công trình đội lên nhiều. Chi phí càng tăng, chúng tôi càng chịu thiệt do dự toán công trình và hợp đồng xây dựng đã kí trước đó. Thậm chí, tôi đã phải bàn bạc với một số gia chủ tạm dừng công trình trong một thời gian, chờ giá cả “hạ nhiệt”.
Giá xi măng biến động tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu, các dòng xi măng được người tiêu dùng Hà Tĩnh lựa chọn chủ yếu hiện nay là Hoàng Mai, Nghi Sơn, Bỉm Sơn và Duyên Hà. Thời điểm này, xi măng Vicem Hoàng Mai, Bỉm Sơn có giá gia động từ 1.400 – 1.500 ngàn đồng/tấn; xi măng Duyên Hà có giá từ là 1.200 – 1.250 ngàn đồng/tấn...
Giá xi măng liên tiếp biến động cũng tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho biết: “Khi hoạt động xây dựng trên địa bàn không được sôi động như các năm trước thì việc giá xi măng tăng liên tục càng khiến cho thị trường của công ty gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, với chiến lược “dài hơi”, hoạt động kinh doanh và nguồn hàng vẫn sẽ được đơn vị cố gắng duy trì ổn định”.
Các nhà thầu hay chủ đầu tư có nhu cầu mua số lượng xi măng lớn cần tính toán lại để đảm bảo nguồn cung và cân đối chi phí xây dựng.
Giá tăng đồng loạt khiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ lẻ cũng trở nên trầm lắng. Anh Đức Hạnh – chủ cơ sở vật liệu xây dựng tại Khánh Lộc (Can Lộc) cho hay: “Giá xi măng tăng khiến cho sức mua giảm, lại thêm cước vận chuyển cũng tăng khiến doanh thu của cơ sở sụt giảm đáng kể”.
Theo nhận định, thời gian tới giá xi măng sẽ chưa có chiều hướng “hạ nhiệt” do giá nguyên liệu đầu vào vẫn “treo” ở mức cao. Vì vậy, các nhà thầu hay chủ đầu tư có nhu cầu mua số lượng xi măng lớn cần xem xét, tính toán kỹ để có thể chủ động được nguồn hàng cũng như đảm bảo được chi phí xây dựng khi đã lập dự toán.