Ngày 10-1, Bộ trưởng Luật pháp kiêm Bộ trưởng Nội vụ K. Shanmugam đã kiến nghị Quốc hội về việc bổ nhiệm một Ủy ban đặc biệt để phụ trách vấn đề chống tin giả.
Trước đó, trong ngày 5-1, Bộ Pháp luật Singapore ra thông cáo báo chí tuyên bố chính phủ dự định trình bày một luật mới nhằm chống lại sự lan truyền "của những thông tin trực tuyến sai lệch có chủ đích".
Cứ 4 người Singapore thì có 1 người đã xem những tin tức không hoàn toàn chính xác. Cứ 3 người Singapore thì có 2 đã không thể nhận ra được thông tin giả mạo. Cứ 4 người Singapore thì 1 thừa nhận rằng đã chia sẻ tin tức nhưng sau đó nhận ra đó là tin giả. |
Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Pháp luật Singapore cũng ra sách xanh để giải thích về sự lan truyền của tin tức lừa đảo trên mọi khía cạnh và tác động của nó.
Ông Shanmugam mô tả các nước khác đã bị tin giả tấn công với mục đích phá hoại và can thiệp vào tiến trình dân chủ. Trong đó, Singapore lại đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ này. Đặc biệt sự đa dạng sắc tộc khiến tin giả có thể khoét sâu, chia rẽ các bộ phận cư dân Singapore.
"Những gì Singapore nói, về vấn đề khu vực, hay quốc tế đều có trọng lượng. Nếu chúng ta bị tác động và lay động, Singapore sẽ bị lợi dụng từ những lợi ích của nước ngoài", ông Shanmugam đề cập tới vị trí của Singapore như một nút chiến lược quan trọng và là một thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo kế hoạch, Ủy ban đặc biệt phụ trách tin giả sẽ tìm hiểu, nghe ngóng từ người dân, tham khảo ý kiến chuyên gia. Bằng cách ấy, người Singapore có thể trực tiếp nghe chia sẻ của chuyên gia cũng như nói lên quan điểm và đề xuất của chính mình. Sau đó ủy ban trên sẽ tập hợp lại để làm đề xuất trình lên Quốc hội.
Singapore là nước có nền công nghệ phát triển hàng đầu châu Á. Hiện nay, tỉ lệ người tiếp cận internet của Singapore cũng rất cao, lên đến 91%. Tuy nhiên tỉ lệ tiếp cận thế giới mạng cao kèm theo sự đa dạng sắc tộc cũng là hai yếu tố khiến Singapore rất nhạy cảm với thông tin giả trên internet. |