Sớm luật hóa quy định về an toàn cho trẻ em trên ô-tô

Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia áp dụng luật và quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em trên xe ô-tô khi tham gia giao thông. Hiện nay, nước ta chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô-tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời,…

Do đó, các chuyên gia về an toàn giao thông đều thống nhất kiến nghị, cần sớm luật hóa những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em trên xe ôtô khi tham gia giao thông.

“Khoảng trống” pháp luật

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) nhận định, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở trẻ em do thiếu hoặc thực thi chưa đầy đủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là sử dụng các thiết bị như mũ bảo hiểm, dây an toàn, thiết bị an toàn trên ôtô.

Theo kết quả nghiên cứu, quan sát của Trung tâm ở hơn 1.100 xe ô-tô cá nhân và 1.457 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 10 tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ôtô, trong đó 19,2% trẻ em được người lớn ôm, bế ở ghế phụ. Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ rất thấp ở cả 3 thành phố, bình quân chỉ đạt 1,3%, cao nhất ở Hà Nội là 2,6%, tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.

Khi nghiên cứu viên thực hiện phỏng vấn các bậc phụ huynh có ô-tô về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, 36% số phụ huynh trả lời cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng (đáp án đúng nhất). Cũng từ vấn đề này, có tới 75,4% số phụ huynh ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Việt Nam hiện có khoảng 6,3 triệu xe ô-tô được đăng ký. Thị trường ô-tô của Việt Nam mỗi năm tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới, đồng nghĩa với việc số lượng trẻ em khi tham gia giao thông sẽ tăng cao hơn, điều này đặt ra vấn đề về quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô.

Theo đánh giá sơ bộ, mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô-tô có trẻ em. Tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở Việt Nam.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh đánh giá, những quy định pháp luật của nước ta đối với vấn đề này còn nhiều bất cập. “Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị chấn thương nghiêm trọng. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, nên việc cần phải có ý thức bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, nhằm tránh những chấn thương nặng cho trẻ, là một trong những cách thiết thực nhất để yêu thương con trẻ,” ông Minh nhấn mạnh.

Trong quá trình xe ô-tô di chuyển, dây an toàn là thiết bị rất tốt để bảo vệ trẻ em, song hiện mới chỉ quy định cho người trưởng thành mà lại chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em, do đó, ông Minh đánh giá vẫn còn những “khoảng trống” về mặt pháp luật cần phải bổ sung để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông.

Phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị khi tham gia giao thông bằng ô-tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn.

Đề xuất bổ sung thiết bị an toàn

Theo báo cáo của WHO, hiện nay, trên thế giới có 115 nước quy định cấm trẻ em ngồi ghế trước ô-tô; trong đó, 70 nước cấm hoàn toàn, 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô. Đặc biệt, gần 100 quốc gia thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô-tô cá nhân. Trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em cao dưới 135cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines dưới 150cm hoặc dưới 12 tuổi.

Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đã cập nhật, chỉnh lý nhiều quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Trong đó, tại khoản 3, Điều 9 quy định: “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 135cm được chở trên xe ô-tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em”.

“Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô là nôi, ghế, đệm nâng nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột”. Đây là ngôn ngữ theo Quy định số 129 về thiết bị an toàn cho trẻ em của Hội đồng Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc.

Các chuyên gia an toàn giao thông kiến nghị, tại “Điều 3, Giải thích từ ngữ”, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô là nôi, ghế, đệm nâng nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột”. Đây là ngôn ngữ theo Quy định số 129 về thiết bị an toàn cho trẻ em của Hội đồng Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc.

Theo khuyến nghị của WHO, vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, tất cả trẻ em nên được ngồi ở ghế sau của xe ô-tô. Sử dụng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Khi túi khí bung ra gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em ngồi ghế trước. Nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” với trẻ em được chở trên xe ô-tô và trên xe máy nên được bỏ vì có thể gây hiểu lầm dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ.

Hiện nay, mặc dù chưa có quy định bắt buộc nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng, tự trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em.

Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng xã hội và các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. Hiện nay, mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng, tự trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020-2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.

“Dự kiến ngày 26/6 tới đây, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hóa và áp dụng hiệu quả trong Luật, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô-tô mỗi năm. Do đó, cần sớm luật hóa những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em, đối tượng thụ động tham gia giao thông, nhằm phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em tham gia giao thông khi số lượng ô-tô tại Việt Nam ngày một tăng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Việt Cường nhận định.

nhandan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói