4 yếu tố không ngờ gây béo phì

Béo phì là thuật ngữ y khoa nhằm chỉ tình trạng thừa cân và có nhiều mỡ trong cơ thể. Nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, điều này có nghĩa là bạn đang có quá nhiều chất béo trong cơ thể.

Theo thời gian, thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ đối với nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh tim mạch chuyển hóa. Bạn có thể tìm hiểu xem bạn thừa cân hoặc béo phì và liệu sức khỏe của bạn có nguy cơ bằng cách tính chỉ số khối cơ thể (BMI) và đo chu vi vòng eo của bạn. Bên cạnh chỉ số BMI và vòng eo, có một số dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo sớm bạn có nguy cơ bị béo phì.

Để tính BMI của một người, chia trọng lượng của người đó (tính bằng kilôgam) cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). Ví dụ, nếu bạn nặng 70 kg và cao 1,75 mét, chỉ số BMI của bạn là 70/(1,75 x 1,75), tức là 22,9. Chỉ số BMI được đánh giá cụ thể như sau: Lý tưởng (bình thường) BMI là 18,5 đến 22,9kg/m2; Chỉ số BMI từ 23-24,9 kg/m2 là thừa cân; Chỉ số BMI từ 25kg/m2 trở lên là béo phì. Bạn càng béo phì, càng có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

4 yeu to khong ngo gay beo phi

Thức ăn nhanh và đồ uống có ga gây béo phì.

Ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm

Ngoài việc ngủ đủ giấc ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, trầm cảm và các chứng rối loạn khác, ngủ đủ giấc mỗi tối còn có thể ngăn ngừa tăng cân và béo phì. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy rằng ngủ 7-9 giờ mỗi đêm là cần thiết để gặt hái những lợi ích sức khỏe của một giấc ngủ ngon, trong đó có liên quan đến phòng ngừa bệnh béo phì. Khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ có cơ hội tự sửa chữa và phục hồi. Nếu không có đủ thời gian để thực hiện tự sửa chữa và phục hồi trong thời gian kéo dài, kết quả các hormon liên quan stress và các yếu tố viêm khác sẽ được tăng cường giải phóng. Một trong những hormon chính liên quan stress là cortisol, được giải phóng để đối phó với stress mạn tính. Chính cortisol làm tăng lượng glucose vào trong máu để có thể cung cấp thức ăn cho não nhằm đối phó với stress mạn tính. Tuy nhiên, tác dụng phụ không mong muốn của tác động cortisol là khuynh hướng gây tăng cân. Sự tăng cân, theo thời gian, có thể chuyển thành béo phì.

Thật vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể dẫn đến ăn quá nhiều. Vì vậy đối với những người đang cố gắng giảm cân, ngủ đủ giấc sẽ làm tăng cơ hội thành công với việc giảm cân.

Bạn ăn tại nhà ít hơn 7 lần mỗi tuần

Chúng ta đã biết rằng ở các quốc gia tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh có liên quan mạnh đến dịch bệnh béo phì. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang khám phá ra nhiều lợi ích mang lại khi ăn ở nhà. Nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. ở Boston, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng những người ăn trung bình 11-14 bữa trưa và bữa tối được chuẩn bị ở nhà mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường týp 2 thấp hơn 13% so với những người ăn không đến 6 bữa trưa và bữa tối chuẩn bị ở nhà mỗi tuần.

Đi làm bằng ôtô mỗi ngày

Phương thức vận chuyển đi lại là một yếu tố được tìm thấy có liên quan đến thừa cân và béo phì, và nó liên quan đến lối sống ít vận động. Trong một nghiên cứu năm 2017 xem xét chế độ đi làm qua các bản tự báo cáo cá nhân trong nhóm nghiên cứu, phương tiện đi lại được phân loại là phương tiện vận chuyển ô tô cá nhân và phương tiện vận chuyển công cộng của hơn 15.000 cư dân của Vương quốc Anh, kết quả cho thấy những người đi làm bằng phương tiện vận chuyển công cộng đã giảm đáng kể chỉ số khối cơ thể (BMI) so với những người sử dụng phương tiện vận chuyển ôtô cá nhân.

Những người đi bộ hoặc đi xe đạp tất cả hoặc một phần của con đường đến nơi làm việc, sau đó tiếp tục sử dụng phương tiện công cộng có chỉ số BMI thấp hơn và có tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể thấp hơn so với những người đi làm việc chỉ sử dụng xe ôtô riêng.

Di truyền từ cha mẹ

Trong khi các yếu tố liên quan lối sống có thể thay đổi được thì yếu tố di truyền gia đình lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Một số mối liên kết di truyền liên quan với chứng béo phì đã được phát hiện. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng gen FTO có thể cho thấy xu hướng phát triển chứng béo phì ở thanh thiếu niên. Bệnh béo phì đã được tìm thấy mang tính kế thừa ở một số gia đình. Ủy ban chuyên gia liên quan đến dự phòng, đánh giá và điều trị béo phì ở trẻ em và thiếu niên đã ghi nhận: “Các nghiên cứu song sinh đã chứng minh rõ ràng là có nguy cơ di truyền trong chứng béo phì”.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng mức độ béo phì của bố mẹ có thể rất quan trọng và đã cho thấy có một mối liên hệ giữa béo phì ở cha mẹ và chứng béo phì phát triển sau đó ở thế hệ con cái; Nói cách khác, con cái của bố mẹ béo phì có nguy cơ cao trở nên bị béo phì. Bạn có nhiều khả năng bị béo phì nếu bố hoặc mẹ củabạn bị béo phì hoặc cả hai bố mẹ đều béo phì. Điều này phần nào có thể là do vừa học thói quen ăn uống xấu của bố mẹ bạn và vừa do thừa kế gene gây béo phì ở bố mẹ.

BS. Nguyễn Hải Lê/SK&ĐS

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast