5 hiểu lầm phổ biến về bệnh tiểu đường

Tiểu đường không nghiêm trọng, người bệnh cần hạn chế vận động là những hiểu biết sai lầm có thể khiến tình trạng này khó kiểm soát.

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng lượng glucose trong máu. Glucose là nguồn năng lượng quan trọng, giúp các tế bào cấu thành cơ, mô và cung cấp “thức ăn” cho não. Người mắc sẽ bị tăng glucose huyết do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin.

Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi. Do đó, nếu mắc phải, bệnh nhân buộc phải sống chung và dùng biện pháp để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.

Tuy nhiên, nhiều quan niệm sai lầm về bệnh tiểu đường lại rất phổ biến khiến mọi người tưởng đó là sự thật. Những thông tin sai lệch này về bệnh tiểu đường có thể gây hại, khiến bệnh trầm trọng hơn, khó kiểm soát.

Quan niệm 1: Ăn nhiều đường dẫn đến bệnh tiểu đường

Sự thật: Nhiều người nghĩ rằng lượng đường trong máu đóng vai trò thiết yếu ở bệnh tiểu đường. Điều này không đúng. Ở những người khỏe mạnh, ăn thức ăn giàu tinh bột sẽ làm đường trong máu tăng cao sau ăn. Khi đó, cơ thể phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều insulin để đưa đường glucose từ máu và tế bào, giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định.

Tuy nhiên, nếu insulin tiết ra không đủ hay tác dụng của insulin bị giảm, lượng đường trong máu tăng cao, gây ra bệnh tiểu đường. Do đó, bản thân đường không phải là yếu tố nhân quả và nó không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường.

Mặc dù vậy, tiêu thụ chế độ ăn uống nhiều đường có thể dẫn đến thừa cân và béo phì, đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type II.

Nghiên cứu lớn của Mỹ được đăng trên trang thông tin y khoa PubMed, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cho thấy ngay cả khi đã kiểm soát năng lượng nạp vào và chỉ số khối cơ thể (BMI), uống nước ngọt thường xuyên có liên quan việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

5 hiểu lầm phổ biến về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Medtech

Quan niệm 2: Bệnh tiểu đường không nghiêm trọng

Sự thật: Theo Medical News Today, có lẽ vì bệnh tiểu đường quá phổ biến, nhiều người cho rằng nó không phải là căn bệnh nguy hiểm. Điều này không đúng.

Bệnh tiểu đường có 3 loại chính: tiểu đường type I, type II và tiểu đường thai kỳ. Không có loại nào được coi là “nhẹ”. Tất cả đều nghiêm trọng và có thể dẫn đến biến chứng khi không được kiểm soát tốt. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và có thể làm giảm tuổi thọ. Các biến chứng do tiểu đường bao gồm bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, tổn thương thận, mù lòa, tình trạng da và suy giảm thính lực.

Ngoài ra, hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng khi được phát hiện sớm.

Quan niệm 3: Người bị tiểu đường không được ăn thực phẩm có đường

Sự thật: Những người bị bệnh tiểu đường chắc chắn cần phải quản lý chế độ ăn uống của họ cẩn thận, đặc biệt là theo dõi lượng carbohydrate.

Tuy nhiên, nếu có chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập thể dục đều đặn, người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn đồ ngọt và món tráng miệng. Điều quan trọng là ăn mọi thứ vừa phải và điều độ.

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ cho biết thông thường mọi người ăn đồ ngọt chìa khóa của đồ ngọt là có một phần rất nhỏ và để dành cho những dịp đặc biệt, vì vậy bạn tập trung vào bữa ăn của mình vào những thực phẩm lành mạnh hơn”.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần phải lên kế hoạch cẩn thận về những gì và khi nào họ sẽ ăn để đảm bảo rằng lượng đường trong máu của họ duy trì ở mức cân bằng.

5 hiểu lầm phổ biến về bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể ăn đồ ngọt nếu kết hợp chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục đều đặn. Ảnh: DrKnews.

Quan niệm 4: Người bệnh tiểu đường thường bị mù và phải cắt cụt chi

Sự thật: Rất may, đây là quan niệm sai lầm. Mặc dù bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa và phải cắt cụt chi trong một số trường hợp, nó không phải là không thể tránh khỏi. Với những bệnh nhân kiểm soát tốt tình trạng của mình, hậu quả này rất hiếm xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính 11,7% người lớn mắc bệnh tiểu đường ở Mỹ bị suy giảm thị lực ở mức độ nào đó, trong khi khoảng 0,56% số người mắc tiểu đường bị cắt cụt chi dưới.

Các chuyên gia đã xác định một số yếu tố rủi ro làm tăng khả năng gặp biến chứng liên quan bệnh tiểu đường, bao gồm béo phì và thừa cân, hút thuốc, ít vận động, huyết áp cao và có lượng cholesterol cao.

Quan niệm 5: Người bị tiểu đường không được vận động

Sự thật: Điều này là không đúng sự thật. Trên thực tế, tập thể dục là một trong những điều quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, tập thể dục giúp giảm cân và giảm huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ gây ra các biến chứng do tiểu đường. Tập luyện đều đặn cũng có thể giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn.

Tuy nhiên, tập thể dục có thể tác động lượng đường trong máu theo nhiều cách khác nhau, đôi khi làm tăng và đôi khi lại làm giảm nó.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Anh, trong nhiều ngày, bạn có thể thực hiện cùng một loại hoạt động và ăn cùng một loại thực phẩm, nhưng lượng đường trong máu của bạn có thể hoạt động khác với những gì bạn mong đợi.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, người bệnh có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách:

- Kiểm tra lượng đường trong máu trong khi tập thể dục và ghi lại cách nó hoạt động để cho bác sĩ của bạn biết. Điều này có thể giúp bác sĩ đưa ra hướng dẫn phù hợp với mọi thay đổi cần thiết.

- Với những người có nguy cơ bị hạ đường huyết, hãy chuẩn bị sẵn thực phẩm có chứa carbohydrate có tác dụng nhanh khi tập luyện.

- Mang giấy tờ tùy thân, giấy khám bệnh tiểu đường để mọi người có thể giúp đỡ nếu cần.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast