“Điểm mặt” các địa phương có đời sống đắt đỏ nhất ở Việt Nam

Mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động bởi COVID-19. Song, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý, điều hành giá thận trọng, kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức 1,84%, đạt mục tiêu đề ra.

“Điểm mặt” các địa phương có đời sống đắt đỏ nhất ở Việt Nam

Hà Nội tiếp tục giữ vị trí đầu về mức giá sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng cục Thống kê vừa công bố Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), Hà Nội tiếp tục giữ vị trí “quán quân” với mốc điểm 100% về mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Đứng thứ hai là Quảng Ninh với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,5% so với Hà Nội và tăng 4 bậc so với năm 2020.

Quảng Ninh thăng hạng về sự đắt đỏ

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), lý do khiến Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước là do là tỉnh triển khai dịch vụ, công nghiệp hiện đại và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện về du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Theo đà đó, kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.

Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ lùi về vị trí thứ ba với chỉ số SCOLI bằng 98,9%. Một số nhóm hàng của địa phương có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, bao gồm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 86,7%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,1%.

Tuy nhiên, về dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi đắt đỏ hàng đầu, như nhóm đồ uống và thuốc lá là 111,38%; bưu chính viễn thông 112,6%; hàng hóa và dịch vụ khác 110,6%; giáo dục 113,2% (chủ yếu do học phí ở các trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội).

“Điểm mặt” các địa phương có đời sống đắt đỏ nhất ở Việt Nam

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đứng ở vị trí kế tiếp là Đà Nẵng có chỉ số SCOLI là 96,4%, Hải Phòng là 95,5% (giảm 2 bậc so với năm 2020).

Bà Oanh cho biết so với năm 2020, một số tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có chuyển biến tích cực khi mức giá được điều chỉnh thấp hơn so với những năm trước đây. Có được điều này là nhờ vào hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi giúp cho chi phí vận chuyển và lưu trữ hàng hóa giảm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng nhà ở thuê, dịch vụ, giải trí và du lịch.

Địa phương nào có mức giá tiêu dùng “dễ thở” nhất?

Báo cáo cho biết Trà Vinh là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2021 thấp nhất cả nước và bằng 87,6% so với Hà Nội. Địa phương có giá sinh hoạt thấp thứ hai cả nước là Hậu Giang với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 87,68%. Giá bình quân các nhóm hàng của Hậu Giang ở mức 65,3%-99,2% so với Hà Nội.

Tiếp theo là Sóc Trăng có chỉ số SCOLI bằng 88,1% với giá bình quân các nhóm hàng ở mức 61,8%-96,4% so với Hà Nội. Ngoài ra, một số địa phương khác có chỉ số SCOLI năm 2021 thấp, như Quảng Trị (88,53%), Nam Định (88,92%), Gia Lai (89,04%), Tây Ninh (89,21%), Phú Thọ (90,1%), Vĩnh Long (90,41%).

“Nhìn chung, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê, thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông, bưu chính viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp,” bà Oanh cho biết.

Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo, có 31 địa phương có mức giá sinh hoạt giảm trong khi 27 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 5 địa phương không biến động. Trong đó, một số địa phương năm 2021 giảm mức độ đắt đỏ xuống thấp hơn năm 2020 (từ 9 đến 23 bậc), như Đắk Lắk, Tây Ninh, Nam Định, Lâm Đồng, Hà Giang, Lai Châu, Bến Tre, Cà Mau.

Theo bà Oanh, lý do của việc này là nhờ các giá cả tại nhóm hàng thực phẩm, giáo dục, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng hóa và dịch vụ khác điều chỉnh giảm.

Cụ thể, Đắk Lắk có chỉ số SCOLI năm 2021 thay đổi biên độ lớn nhất cả nước, giảm mức “đắt đỏ” xuống 23 bậc so với năm 2020, khi giá cả nhóm hàng đồ uống và thuốc lá bằng 86,8%, may mặc, mũ nón và giày dép 83,5%, bưu chính viễn thông 88,8%..

Theo bà Oanh, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2021 chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra một loạt các giải pháp đồng thời quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức 1,84%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.

“Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, chỉ số SCOLI năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2020,” bà Oanh trao đổi./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast