Người giúp việc đến hẹn vẫn… không lên, nhiều gia đình “khóc dở mếu dở”!

(Baohatinh.vn) - Ngày 30/1 (tức mùng 6 âm lịch), hầu hết các cơ quan, đơn vị quay trở lại với lịch làm việc thì rất nhiều gia đình ở Hà Tĩnh lại đang “khóc dở mếu dở” vì người giúp việc nấn ná ở quê, không chịu lên.

Muôn kiểu “chiều” giúp việc

Sự hiện diện của người giúp việc trong cuộc sống đã trở nên quá quen thuộc với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình ở thành thị. Những ngày nghỉ tết, giúp việc về quê thật sự là nỗi ám ảnh vì cuộc sống như bị đảo lộn, do đó, các gia đình cũng phải nghĩ đủ cách chiều lòng giúp việc để mong giữ chân hoặc động viên họ lên đúng hẹn.

Người giúp việc đến hẹn vẫn… không lên, nhiều gia đình “khóc dở mếu dở”!

Mùng 6 âm lịch là thời điểm nhiều cơ quan, doanh nghiệp quay trở lại làm việc sau đợt nghỉ tết, nhiều chị em sẽ “khóc dở mếu dở” khi không có người giúp việc hỗ trợ việc nhà, trông con.

Chị Phan Thị Thanh L. (phường Thạch Quý – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ngoài thanh toán đầy đủ lương, tôi thưởng tết bác giúp việc một số tiền kha khá; mua sắm đầy đủ bánh kẹo, gạo nếp và nhu yếu phẩm để bác mang về làm quà tết cho gia đình. Hôm bác về thì bố trí xe ô tô chở về tận nhà”.

Quà tết hậu hĩnh là một cách mà gia chủ bày tỏ lòng biết ơn người giúp việc đã hỗ trợ họ trong năm nhưng cũng là mong muốn chính đáng ra tết giúp việc quay trở lại với công việc đúng hẹn.

Người giúp việc đến hẹn vẫn… không lên, nhiều gia đình “khóc dở mếu dở”!

Không phải gia đình nào cũng may mắn khi người giúp việc quay trở lại đúng hẹn.

Không chỉ quà cáp chu đáo từ trước tết mà ngay ngày mùng 2 tết, vợ chồng chị Lê Thanh H. (xã Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) cùng các con đã vào Cẩm Xuyên để chúc tết, mừng tuổi gia đình người giúp việc.

“Không phải mỗi tết mình mới chu đáo với bà mà trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng tôi đối xử với bà tử tế, không có sự phân biệt chủ nhà – người giúp việc. Thậm chí còn “chiều” bà hơn cả người thân trong nhà” – chị H. chia sẻ.

Cũng như chị L., chị H., nhiều gia đình vì vướng bận công việc, con nhỏ nên vai trò của người giúp việc là cực kỳ quan trọng và việc tìm đủ cách chiều lòng họ cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng đến hẹn vẫn… không lên

Thế nhưng, dù mức lương, thưởng cao và đối đãi tử tế nhưng sau tết, khi chủ nhà đã đi làm thì nhiều người giúp việc vẫn chưa có ý định quay lại với công việc.

Mấy ngày tết chị L. vẫn như “ngồi trên đống lửa” vì người giúp việc về nghỉ tết mà không hẹn ngày lên. Và đúng như chị L. lo lắng, sát ngày đi làm, chị gọi năm lần bảy lượt thì nhận được câu trả lời “chưa hết tết”.

Người giúp việc đến hẹn vẫn… không lên, nhiều gia đình “khóc dở mếu dở”!

Nhiều gia đình phải mang con nhỏ về gửi ông bà để kịp đi làm khi giúp việc chưa quay trở lại.

Chị L. lắc đầu ngán ngẩm: “Bác ấy biết là mùng 6 âm tôi đã phải đi làm và chẳng thể gửi được con cho ai trông nhưng vẫn cứ “đủng đỉnh ăn tết” mà chẳng hẹn ngày nào quay lại. Vợ chồng tôi không còn cách nào khác phải mang con về tận Hương Sơn gửi tạm ông bà nội”.

Nhiều gia đình cũng bị đảo lộn sinh hoạt, công việc khi phải đi làm trở lại nhưng giúp việc thì “mất tích”. Vợ chồng anh Nguyễn Thanh M. (phường Đại Nài – TP Hà Tĩnh) cũng đang “khóc dở, mếu dở” khi người giúp việc đột nhiên gọi điện báo sẽ không quay lại làm việc nữa mà đi miền Nam cùng người quen, mặc dù trước tết đã hứa “như đinh đóng cột” là mùng 8 âm sẽ lên.

Anh M. bức xúc: “Họ nghỉ đột xuất như vậy thì mình biết tìm đâu ra người thay thế ngay được. Hơn nữa, để huấn luyện người mới quen việc, quen em bé cũng mất thời gian lắm chứ, trong khi hai vợ chồng phải đi làm cả ngày”.

Trên thực tế, việc “khủng hoảng” người giúp việc sau tết vẫn thường diễn ra bởi tháng Giêng là thời điểm trùng với lịch gieo cấy vụ mùa, lễ hội, đa số người giúp việc tìm cách để được ở nhà lâu hơn.

Hơn nữa, nhiều gia đình vào dịp tết thưởng quá hậu hĩnh, nhiều người giúp việc còn dư dả, lại biết nhiều nơi có nhu cầu nên họ càng “đủng đỉnh”, đẩy gia chủ vào thế khó.

Để tránh tình trạng trên, các gia đình trước khi quyết định thuê giúp việc thì đôi bên cần có các điều khoản rõ ràng về thời gian làm việc, giá dịch vụ, tìm hiểu rõ nhân thân… Dù là quan hệ chủ - giúp việc nhưng trong quá trình sinh sống nhất thiết phải có sự tôn trọng, chia sẻ với nhau thì mối quan hệ mới có thể bền lâu.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast