Phó thủ tướng nói về điều kiện để tiến tới ‘sống chung với virus’

Theo ông Vũ Đức Đam, với sự chuẩn bị kỹ về thuốc điều trị, các loại xét nghiệm nhanh với giá thành rẻ và vaccine phòng Covid-19, chúng ta có thể tiến tới sống chung với virus.

Chiều 14/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Phó ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) chủ trì cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thuốc, vaccine phòng Covid-19.

Cuộc họp nhằm xem xét, rà soát toàn bộ sản phẩm từ vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, máy móc điều trị bệnh nhân Covid-19, bao gồm các trạm tạo oxy di động cung cấp cho các bệnh viện dã chiến.

Dự án sản xuất vaccine tại Việt Nam khả quan

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng về thuốc điều trị từ sớm, hệ thống oxy trong các bệnh viện, các loại xét nghiệm nhanh với giá thành rẻ, tới đây là vaccine phòng Covid-19, chúng ta có thể tiến tới sống chung với virus SARS-CoV-2.

Phó thủ tướng nói về điều kiện để tiến tới ‘sống chung với virus’

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có 3 ứng viên sản xuất vaccine phòng Covid-19 đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Đến cuối năm 2021, dự kiến có kết quả phục vụ đăng ký lưu hành vaccine trong nước, ít nhất một vaccine được cấp phép lưu hành.

Cụ thể, sau khi nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu vaccine nộp hồ sơ hoàn thiện, bổ sung về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nano Covax, dự kiến ngày 15/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia họp thẩm định kết quả. Sau đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ xem xét hồ sơ.

Với vaccine Covivac, hôm nay (15/9), nhóm nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp của Việt Nam đang trong quá trình đàm phán, ký kết thỏa thuận để triển khai thử nghiệm lâm sàng và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất một số loại vaccine từ nước ngoài.

Các chuyên gia, nhà khoa học lưu ý những dự án sản xuất vaccine tại Việt Nam rất khả quan và đến năm 2022 sẽ đi vào hoạt động. Vì thế, cần tính toán chiến lược mua, nhập khẩu và thậm chí tiến tới xuất khẩu vaccine.

Đối với vaccine cho trẻ em, PGS.TS Lê Văn Truyền (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc) giải thích do liên quan đến vấn đề đạo đức, việc thử nghiệm vaccine không huy động trẻ em tham gia.

Vaccine ban đầu vì thế chỉ dành cho người lớn, sau một thời gian sử dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả mới xem xét cho trẻ em.

Xét nghiệm nhanh mẫu gộp, chi phí giảm hàng chục lần

Về thuốc điều trị, Bộ Y tế cho biết có rất nhiều loại, đặc biệt là thuốc kháng virus Molnupiravir đang trong quá trình thử nghiệm, cho hiệu quả điều trị rất tốt. Các nhà khoa học, chuyên gia, Bộ Y tế kỳ vọng sau khi hoàn thành thử nghiệm đánh giá lâm sàng, các doanh nghiệp dược của Việt Nam sẽ làm việc để có bản quyền sản xuất trong nước, sớm tự chủ được nguồn thuốc điều trị.

Phó thủ tướng nói về điều kiện để tiến tới ‘sống chung với virus’

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thuốc, vaccine phòng Covid-19. Ảnh: VGP

Trong lĩnh vực xét nghiệm, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển, sản xuất được các loại sinh phẩm (kit) xét nghiệm nhanh kháng nguyên có độ nhạy cao trong phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước còn thấp nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp cho biết đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên và sau khoảng một tháng nữa sẽ đi vào hoạt động với giá thành dự kiến rất rẻ.

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng xét nghiệm nhanh mẫu gộp, chi phí xét nghiệm sẽ có thể giảm tới hàng chục lần. Khi chúng ta tự chủ được nguồn kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên thì có thể bán để người dân tự xét nghiệm.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast