“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

(Baohatinh.vn) - Giá xăng dầu đã giảm mạnh trong hơn 1 tháng nay, song, hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa giảm giá. Điều người dân Hà Tĩnh mong mỏi ở thời điểm này là giá cả tiêu dùng giảm để bớt gánh nặng chi tiêu.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Giá xăng giảm, dịch vụ ship Unicar Hà Tĩnh đã giảm giá cước 2 lần.

Trong vòng hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu hạ nhiệt, hãng ship Unicar chi nhánh Hà Tĩnh đã 2 lần giảm giá cước cho khách hàng.

Chị Trần Thị Linh Giang - quản lý chi nhánh của hãng ship Unicar Hà Tĩnh cho biết: “Khi giá xăng giảm từ mức trên 31.000 đồng xuống dưới 25.000 đồng/lít, đơn vị đã điều chỉnh giảm 2 lần giá ship để hỗ trợ khách hàng. Theo đó, các đơn ship bằng xe máy dưới 3km đã giảm từ 13.000 đồng xuống còn 11.000 đồng/đơn. Một số đơn vị ship truyền thống trên địa bàn cũng căn cứ theo giá của chúng tôi để giảm theo. Hiện, đơn vị vẫn tiếp tục cập nhật theo giá xăng để điều chỉnh giá cước phù hợp. Nếu giá xăng về dưới 22.000 đồng/lít thì giá cước ship của Unicar sẽ chỉ còn 10.000 đồng/đơn như trước đây”.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” sau nhiều đợt điều chỉnh giảm liên tiếp.

Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị, dù giá gốc hàng hóa chưa giảm, song, các đơn vị đã triển khai áp dụng các chương trình khuyến mãi, vì thế, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng với mức giá thấp hơn khá nhiều so với giá được niêm yết.

Theo anh Trần Đình Chung - phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, khi giá xăng dầu giảm, một số nhà sản xuất, nhãn hàng đã thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá bán đầu vào cho siêu thị. Cùng đó, siêu thị cũng áp dụng các chính sách khuyến mãi cho người tiêu dùng nên nhiều hàng hóa như: thời trang, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, dầu ăn…, được ưu đãi giá khá lớn.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Các sản phẩm của nhãn hàng Vinamilk được áp dụng chương trình khuyến mãi.

Tuy nhiên, theo khảo sát, số dịch vụ, hàng hóa giảm giá theo giá xăng dầu như các đơn vị nói trên là không nhiều. Hầu hết giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn vẫn “đứng yên” dù giá xăng, dầu đã giảm mạnh qua các đợt liên tiếp.

Theo ghi nhận, tại chợ truyền thống, giá nhiều loại thực phẩm vẫn ở mức cao như: thịt lợn 100 - 130.000 đồng/kg, thịt bò 220 - 260.000 đồng/kg; các loại rau, củ nhập từ các tỉnh về như: cà chua, hành tây, đậu cove, cà rốt, dứa, cải bắp... ở mức từ 20 - 30.000 đồng/kg, cao hơn giá trung bình từ 5 - 10.000 đồng/kg.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Giá thịt lợn thành phẩm ở mức cao gây khó cho người tiêu dùng.

Giá các mặt hàng gia vị như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm... qua nhiều đợt tăng vẫn neo cao, đặc biệt là dầu ăn. Chẳng hạn như: dầu ăn simply đậu nành 65.000 đồng/lít, dầu simply gạo 70.000 đồng/lít, dầu neptune 62.000 đồng/lít, dầu meizan 52.000 đồng/lít, nước mắm Nam Ngư chai 750ml giá 39.000 đồng/chai, nước mắm Chinsu cá hồi chai 500ml giá 42.000 đồng/chai, bột ngọt các loại giá 58 - 60.000 đồng/kg...

Trong khi đó, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và biến động thị trường, nhiều hàng, quán kinh doanh dịch vụ ăn sáng, cà phê, các loại đồ uống trong tháng 6 và tháng 7 đã tăng giá bán 2 - 5.000 đồng/món, hiện nay vẫn giữ nguyên mức giá sau tăng.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Dầu ăn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua.

Bà Lê Thị Thu - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Các cửa hàng kinh doanh bán hàng dựa theo mức giá nhập vào, giá đầu vào cao nên chúng tôi muốn giảm cũng không được. Giá hàng hóa tăng cao gây khó cho cả người mua lẫn người bán, vì thế, chúng tôi cũng mong chờ các nhà cung cấp, nhà sản xuất giảm giá hàng hóa để giảm giá bán, tạo thuận lợi cho việc kinh doanh”.

Một số nhà kinh doanh cho rằng, với các đơn vị sản xuất, hãng cung cấp dịch vụ lớn, để thay đổi mức giá sản phẩm, dịch vụ cần phải tính toán, cân đối các yếu tố hay thực hiện nhiều thủ tục. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng dầu liên tục biến động, lại khó dự đoán nên việc điều chỉnh giá bán sản phẩm ngay chưa thể thực hiện được. Hơn nữa, ngoài xăng dầu, giá nhiều nguyên liệu đầu vào khác tạo nên sản phẩm thời gian qua cũng tăng cao.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Giá các loại hàng hóa, dịch vụ ở mức cao gây áp lực chi tiêu đối với người dân.

Ở góc độ người tiêu dùng, kể từ khi giá xăng dầu giảm, người dân vẫn đang sốt ruột chờ giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu giảm. Anh Lê Văn Mạnh (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) nêu ý kiến: “Giá xăng dầu đã giảm mạnh, so với thời điểm giá xăng lên cao nhất thì hiện nay đã giảm 7.000 đến hơn 8.000 đồng/lít. Vậy tại sao, khi giá xăng vừa tăng, người bán hàng đã nhanh chóng tăng giá bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhưng khi giá xăng đã giảm, động thái giảm giá bán lại lâu đến vậy (?). Thậm chí, vào giữa tháng 8, tôi đi cắt tóc, giá còn tăng lên 10.000 đồng so với trước đó. Mỗi thứ tăng một ít như vậy thì người tiêu dùng phải trả thêm khoản chi phí khá lớn cho chênh lệch giá”.

Chị Trần Thị Phương (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Hơn 1 tháng nay, giá thịt lợn bán tại chợ từ 100 - 130.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao so với thời điểm trước đó. Giá các dịch vụ ăn uống, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn cao như lúc giá xăng cao đỉnh điểm. Dù biết hàng hóa muốn giảm giá theo thì cần có độ trễ nhất định, thế nhưng, xăng dầu giảm cả tháng nay rồi, giá hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao”.

“Sốt ruột” chờ giá hàng hóa, dịch vụ ở Hà Tĩnh giảm theo giá xăng dầu

Người tiêu dùng mong chờ giá các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng sẽ giảm theo giá xăng dầu.

Ở thời điểm giá xăng dầu tăng, người tiêu dùng không chỉ phải chịu tăng thêm chi phí nhiên liệu mà điều áp lực hơn cả là hàng hóa thiết yếu “té nước theo mưa”. Còn khi giá xăng dầu giảm thì chờ “mỏi mắt”, hàng hóa vẫn không chịu giảm theo.

Điều người dân mong mỏi lúc này là các nhà sản xuất, nhà cung cấp sẽ giảm giá hàng hóa, dịch vụ tương xứng giá xăng để san sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Chính quyền, ngành chức năng cần vào cuộc rà soát, kiểm soát giá cả các mặt hàng nhằm ổn định thị trường và tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất, kinh doanh.

Sở Công thương Hà Tĩnh đã ban hành công văn đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với giá cả hàng hóa, dịch vụ có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành; hạn chế tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng tình hình biến động thị trường tăng giá sản phẩm, dịch vụ một cách bất hợp lý; thường xuyên dự báo, cập nhật diễn biến cung cầu, giá cả thị trường...

Các đơn vị kinh doanh chấp hành các quy định về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có kế hoạch, giải pháp dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; khai thác nguồn hàng, thực hiện các chương trình khuyến mãi hợp lý; rà soát, làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) trong khâu trung gian khiến gia tăng chi phí lưu thông, tăng giá bán của sản phẩm...

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast