Theo kênh CNN, nhiều người đã dự báo tình hình này khi Mỹ thông báo rút quân. Tuy nhiên, không ai nghĩ mọi chuyện sẽ xảy ra quá nhanh như vậy.
Taliban trên đà thắng thế
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét các tay súng Taliban tại Kandahar, ngày 23/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/8, lực lượng Taliban đã mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại miền Bắc Afghanistan sau khi chiếm thêm 3 thủ phủ tỉnh tại khu vực này, nâng tổng số thủ phủ tỉnh mà lực lượng này chiếm được trong đợt tấn công chớp nhoáng bắt đầu từ hôm 6/8 lên 5 thủ phủ.
Các thành phố Kunduz, Sar-e-Pul và Taloqan đã lần lượt rơi vào tay Taliban chỉ cách nhau vài giờ trong ngày 8/8. Trong số này, Kunduz là mục tiêu quan trọng nhất mà Taliban giành được kể từ đợt tấn công bắt đầu hồi tháng 5 khi liên quân do Mỹ đứng đầu bắt đầu giai đoạn cuối của quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Taliban đã tạm chiếm được Kunduz trong các năm 2015 và 2016 nhưng không giữ được lâu trước sự phản công của lực lượng chính phủ.
Mỹ và các đồng minh Afghanistan chưa bao giờ chứng kiến các vùng lãnh thổ rơi vào tay Taliban nhanh như vậy. Họ từng hy vọng Taliban chỉ hoành hành mạnh ở vùng nông thôn mà tránh xa các thành phố lớn, nhưng hy vọng đó đã tiêu tan.
Những thay đổi này dường như là không thể đảo ngược. Cho dù Mỹ có hỗ trợ quân đội Afghanistan bằng các cuộc không kích nhưng Mỹ khó sử dụng không lực khi giao tranh diễn ra trong các thành phố đông dân.
Các nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục hy vọng tiến trình hòa bình sẽ mang lại kết quả, rằng các đại diện Taliban mà họ đang đàm phán ở Doha muốn giảm tốc quá trình chiếm các vùng lãnh thổ Afghanistan. Nhiều người chỉ trích hy vọng này của phía Mỹ và coi cuộc đàm phán ở Doha chỉ là giả tạo. Số khác cho rằng cần tỉnh táo để sao cho cánh cửa đàm phán vẫn mở trong mọi tình huống sau này.
Hiện chưa rõ bên nào nhận định đúng về đàm phán, chỉ biết Mỹ từng thể hiện sức mạnh vượt trội tại Afganistan hàng ngày trước đây và giờ phải trông đợi vào dàn xếp hòa bình với Taliban. Ngoại giao của Mỹ vẫn dựa chủ yếu vào niềm hy vọng phiên bản Taliban năm 2021 đã rút kinh nghiệm từ những năm 1990, rằng họ cần viện trợ quốc tế để sống sót. Tuy nhiên, hy vọng đó dường như nhầm lẫn sau khi ngày 8/8, Taliban từ chối ngừng bắn và lực lượng này chỉ muốn chiến thắng.
Tương lai của Afghanistan
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét các tay súng Taliban tại làng Kandak Anayat, Kunduz, ngày 23/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Với hàng triệu người dân Afghanistan, mùa hè này sẽ vô cùng thảm khốc. Nhiều người Afghanistan thừa nhận Taliban sẽ trở lại và sau đó dùng phần lãnh thổ chiếm được để đàm phán. Các thành phố mà lực lượng này đang gây áp lực bắt đầu tạo thành một vòng tròn bao vây thủ đô Kabul.
Thủ đô Kabul có dân số 6 triệu người, tập trung mọi tiền bạc, vũ khí và an ninh mà Mỹ đã bỏ hàng tỷ USD suốt 20 năm qua để tạo dựng. Hiện tại, Taliban chưa thể nhanh chóng chiếm được Kabul. Tràn vào Kabul sẽ là thách thức lớn với Taliban. Tuy nhiên, Taliban đã chứng tỏ có thể xâm nhập Kabul khi trong tuần qua, các thành viên Taliban đã ám sát các phát ngôn viên của chính phủ, một quan chức địa phương và các công tố viên.
Hiện tại, có thể lực lượng an ninh Afghanistan sẽ thành công tại thành phố quan trọng Lashkar Gah ở tỉnh Helmand và có thể bám trụ. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, Taliban có thể chiếm ưu thế khi mà các quan chức phương Tây đang ở trong tình trạng bất ngờ và bối rối về cách phản ứng với Taliban. Sau hơn chục năm lặp lại các luận điểm đàm phán giống nhau mà họ nghĩ là chiến lược hoàn chỉnh, các quan chức ngoại giao hiện không rõ phải đàm phán thế nào với Taliban: kêu gọi hòa bình, đe dọa dùng không lực hay dựa vào niềm tin các thành phố chính sẽ cầm cự được?
Trong tương lai gần, Taliban có thể sẽ lấp đầy khoảng trống và thể hiện sự tàn bạo thường thấy. Tuần trước, một cậu bé 12 tuổi ở Faryab đã bị một thành phần chống chính phủ đánh đập. Có thông tin Taliban đã giết hại các quan chức chính phủ trung thành. Ít nhất 27 trẻ em đã thiệt mạng và 136 em bị thương trong 72 giờ qua ở Afghanistan.
UNICEF nhận định: “Những tội ác này là bằng chứng về bản chất tàn độc và quy mô bạo lực ở Afghanistan, biến trẻ em vốn dễ bị tổn thương thành nạn nhân”.
Ngoài bạo lực, Afghanistan còn chịu một mối đe dọa nữa là khi an ninh sụp đổ, chủ nghĩa khủng bố sẽ quay lại.
Trong vài tháng tới, tất cả mọi chuyện ở Afghanistan sẽ phụ thuộc vào các nước phương Tây. Liệu họ có thay đổi quyết định khi chứng kiến Taliban kiểm soát ngày càng nhiều vùng lãnh thổ Afghanistan?
Mỹ đã tuyên bố rõ ràng mọi binh sĩ nước ngoài sẽ hoàn tất rút quân trước cuối tháng 8, các cuộc không kích nhằm kiềm chế Taliban sẽ chấm dứt, không lực sẽ chỉ được huy động hạn chế để nhằm vào các mục tiêu liên quan khủng bố. Nếu không có thay đổi vào phút chót, mọi thứ sẽ rất ảm đạm với Afghanistan.