Thẩm Thúy Hằng hay Thanh Nga đều là biểu tượng của nhan sắc thời đó. Cả 2 bà đều có những mái tóc uốn phi-dê rất thời thượng. Và gương mặt của họ xuất hiện tràn lan trên mọi biển hiệu uốn tóc. Biển ghi to: “Uốn phi dê - Se lông mặt”, rồi mới nho nhỏ: “Hiệu tóc Thanh nữ, Hương thầm, Mô-đen, Phương nam...”. Kiểu hiệu uốn tóc như vậy đã tồn tại từ xưa cho đến gần cuối những năm 1990.
Hiệu uốn tóc phi-dê một thời
Tôi không thể biết các kiểu tóc của các chị các cô hồi đó. Chỉ thấy mỗi lần đi qua là sực nức mùi “nước đái quỷ”. Ấy là mùi thuốc uốn tóc kinh dị. Đúng là phụ nữ luôn sẵn sàng hy sinh. Nhất là cho việc làm đẹp. Mỗi lần uốn tóc về chắc chắn sẽ đau đầu chóng mặt cả tuần. Đã thế cái lồng uốn điện thỉnh thoảng lại đánh tia lửa điện rèn rẹt. Càng khâm phục bản lĩnh phi thường của các chị, các cô.
Các cô lớn lớn giờ chắc còn nhớ cảm giác se lông mặt chứ ạ? Rồi tự uốn mi cong bằng cặp tăm hơ đèn dầu nữa. Có cô còn uốn lông mi bằng diêm. Xòe lửa thổi tắt cho tàn lửa rồi mới vuốt vào mi. Nhưng cũng có cô thấy hết lửa đã vội vã đưa vào hàng lông mi. Thế là cháy xém một vệt. Nhà thì khét lừng như mùi thui chân giò lợn.
Sau khi đất nước thống nhất, bố tôi đi công tác Sài Gòn mang về một đống đĩa than và tạp chí. Mẹ tôi xem và quá thích mái tóc của Marilyn Monroe. Thế là bà cắt riêng tờ ảnh đó đi uốn tóc. Rồi bà lan truyền mẫu tóc ấy đến khắp phòng y tế quận.
Chắc vẫn nhiều anh, nhiều chú vẫn nhớ những “hiệu cắt tóc quốc doanh”. Với riêng người viết bài này thì các ông nhân viên cắt tóc là ăn mặc oai nhất thời đó. Áo blouse trắng muốt, là thẳng tắp, phẳng phiu. Tóc rẽ ngôi vuốt sáp bóng mượt.
Còn hiệu cắt tóc thì sạch sẽ. Đèn nê-ông sáng choang. Những chiếc ghế bọc da có từ thời Pháp nhìn rất oai phong. Tay vịn ghế cũng bọc da và mút. Viền mép da là những chiếc đinh tán bằng đồng. Chân ghế là những chiếc bệ đúc gang với những hoa văn tuyệt mỹ. Ghế là có thể ngả ra để dễ cho việc cạo râu, cạo mặt và ngoáy tai. Lúc ghế ngả, chỗ để chân lại đồng thời tự nâng lên cho khách một tư thế nằm rất dễ chịu. Trẻ con đến cắt thì ông thợ gác một tấm gỗ lên 2 thành ghế cho ngồi.
Mà tôi nhớ hồi bé rất ít được ra hiệu cắt tóc. Chủ yếu được bà cắt cho bằng cái kéo cắt vải to đùng. Và lần nào cắt xong cũng khóc vì bà mắt thì kém, cái kéo thì khó cầm còn thẩm mỹ của bà thì...
Gần Tết năm lớp 5, tôi được bố chở ra Hiệu Cắt tóc quốc doanh Quán Thánh. Tôi nhớ như in vì lần đầu cắt tóc xong còn được cạo mặt như các ông đàn ông trưởng thành. Ông thợ cắt tóc đánh lưỡi con dao cạo vào miếng da trâu nhẵn đanh cho thêm sắc. Rồi ông lấy cái chổi lông tròn tròn nhấp chút nước rồi đánh vào bánh xà phòng thơm, thơm lừng lẫy rồi quết lớp bọt xà phòng ấy lên mặt tôi. Tôi gai người lên vì sướng. Về, chỉ gội đầu nước lã và gắng giữ mấy ngày không rửa mặt để giữ mùi xà phòng thơm ấy.
Ôi một thời, mùi thơm xà phòng cũng xa xỉ với con người!
Nguyễn Anh Vũ