TAND huyện Kỳ Anh: Chủ động, chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử

(Baohatinh.vn) - Theo tinh thần cải cách tư pháp, TAND đóng vai trò trung tâm và nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, hiện tại, khó khăn đang “bủa vây” chốn công đường. Đặc biệt, đối với một địa bàn phức tạp như Kỳ Anh, việc đảm bảo cho hoạt động xét xử của TAND đạt kết quả tốt đang là một nhiệm vụ “nóng” hơn bao giờ hết.

Năm 2013, Tòa án huyện Kỳ Anh thụ lý 229 vụ án các loại; đã giải quyết 217 vụ việc, trong đó có 14 vụ án tăng thẩm quyền xét xử. Lượng án của Kỳ Anh đang tăng đột biến, gấp 3 lần lượng án ở các huyện khác. Trong khi số thẩm phán, thư ký không tăng, vì vậy đòi hỏi mỗi thẩm phán, cán bộ trong đơn vị phải nỗ lực, quyết tâm cao mới hoàn thành được nhiệm vụ xét xử.

Không chỉ án tăng mà tính chất các vụ việc cũng hết sức phức tạp, đặc biệt là án hành chính. Thời gian gần đây, huyện Kỳ Anh thực hiện công tác đền bù, GPMB KKT Vũng Áng và các dự án lớn. Mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng, công tác GPMB cơ bản đảm bảo đúng quy trình luật định nhưng do khối lượng công việc quá lớn và nhiều lý do khác nên có nơi, có lúc còn xảy ra thiếu sót, bất cập. Vì thế, người dân bị thu hồi đất không đồng tình, dẫn đến đơn thư khiếu kiện hành chính. Đó là chưa nói đến hiện tượng một số người đứng ra xúi giục, lôi kéo người dân khởi kiện hành chính vì lợi ích nhóm, gây bất ổn định tình hình cơ sở. Để giải quyết các vụ án này, TAND huyện gặp không ít khó khăn. Trước hết, những vụ kiện hành chính thường có tác động lớn đến tính chính trị, vì vậy, khi giải quyết, TAND phải vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong một số trường hợp, bên bị khởi kiện không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xét xử nên Tòa án phải hoãn phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Trường hợp này đã tạo cơ hội cho bên bị kiện chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ đối tượng bị khởi kiện. Để đến khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án gặp không ít khó khăn trong việc minh định bản chất đích thực của vấn đề, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, trú tại xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh) về tội danh “Giết người”
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, trú tại xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh) về tội danh “Giết người”

Đi kèm với án hành chính, việc giải quyết các vụ án dân sự cũng còn nhiều vướng mắc. Qua thực tiễn xét xử, các vụ kiện dân sự liên quan đến đất đai đều rất khó trong xác định nguồn gốc đất. Phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi có tranh chấp xảy ra, thẩm phán rất khó xác định ai là người được bồi thường hoặc phải bồi thường. Đó là chưa nói, thời gian gần đây, “giá đất lên, tình người xuống” nên tình trạng tranh chấp đất đai thừa kế trong gia đình xảy ra khá nhiều. Việc xác định chủ hộ, người có quyền thừa kế và người được thừa kế làm mất nhiều thời gian, công sức của thẩm phán. Đôi khi tranh chấp trong một gia đình, thẩm phán đóng vai trò hòa giải nhiều hơn là xét xử.

Có thể thấy rằng, cùng với sự phát triển của KKT Vũng Áng, người lao động ồ ạt “dồn” về Kỳ Anh. Mở cửa đón được “ngọn gió mát” thì “muỗi” cũng kéo vào, tình hình tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng và tính chất cực kỳ phức tạp. Mặc dù chưa có vụ án nào xảy ra nhưng tội phạm băng nhóm, xã hội đen đang là nguy cơ tiềm ẩn. TAND huyện tích cực chuẩn bị cả về chuyên môn, kinh nghiệm và bản lĩnh để hoạt động xét xử trên lĩnh vực này đạt kết quả tốt. Đặc biệt là tính chuyên nghiệp, hiện đại trong xét xử các vụ án liên quan đến người nước ngoài.

Một bước “vận động” tích cực nữa của TAND huyện Kỳ Anh là chủ động xây dựng phương án tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký trong hoạt động xét xử liên quan đến các vụ án kinh tế, lao động. Bước chuẩn bị này là hoàn toàn cần thiết bởi khi KKT đi vào hoạt động, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp về kinh tế, lao động chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp.

Với những nỗ lực đó, thời gian qua, TAND huyện Kỳ Anh đảm bảo hoạt động xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra oan, sai. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có kết quả tốt, chỉ với “vận động tự thân” của riêng TAND huyện Kỳ Anh thôi chưa đủ. Trao đổi với chúng tôi, Chánh án TAND huyện Thái Thị Tân cho biết: Đến nay, TAND huyện chỉ có 4 thẩm phán và 3 thư ký mà theo quy định, 1 thẩm phán sẽ có 2,5 thư ký. Lượng án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi biên chế không đủ, việc đầu tư đào tạo chuyên ngành cho các thẩm phán chưa tương xứng khiến chất lượng xét xử bị ảnh hưởng, nhất là các vụ án đòi hỏi chuyên môn sâu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của TAND huyện đã xuống cấp trầm trọng, hội trường xét xử chật hẹp, không đảm bảo an toàn cho các vụ án phức tạp, đông người và nhất là không thể hiện được sự trang nghiêm của “chốn công đường”.

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.