Được biết, hiện nay, ngoại trừ trạm kiểm soát tải trọng (KSTT) xe lưu động của tỉnh vẫn hoạt động 24/24h và 7 ngày/tuần đóng ở Trạm thu phí Cầu Rác KSTT xe cơ bản trên tuyến QL 1A, còn hoạt động của lực lượng KSTT của các huyện, thị, thành phố đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, tình trạng chở quá tải trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn đang có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh việc chở quá tải (phổ biến xe từ 5-10 tấn), còn xuất hiện tình trạng cơi nới thành thùng.
Tổ liên ngành kiểm soát tải trọng xe thành phố Hà Tĩnh cân kiểm tra tải trọng tại công trường đê Đồng Môn.
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các huyện, thị xã, thành phố đã được trang bị cân xách tay để KSTT xe từ năm 2015 nhưng hoạt động vẫn còn rất hạn chế, nhiều đơn vị còn giao khoán cho lực lượng cảnh sát giao thông. Đại úy Phạm Duy Thành - Phó Đội trưởng Đội CSGT (Công an thành phố), kiêm Tổ trưởng Tổ Liên ngành KSTT xe của TP Hà Tĩnh cho biết: Sau khi thành lập (tháng 12/2015), Tổ Liên ngành KSTT xe của thành phố đã tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm chở quá tải, xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, kinh phí phục vụ hoạt động chưa được phân bổ nên để duy trì được thường xuyên và liên tục là điều không thể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ xe lại tìm “trăm phương ngàn kế” để chở quá tải và trốn tránh lực lượng chức năng. Khi tổ liên ngành KSTT xe hoạt động thì các chủ xe, lái xe thông báo cho nhau biết để tìm cách đối phó, thậm chí, những lúc đội liên ngành vào cuộc quyết liệt thì tất cả đều nghỉ, chờ khi lắng xuống tiếp tục hoạt động…
Thực trạng trên cho thấy ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe chưa được nâng cao, cố tình chở quá tải, luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Để hạn chế tình trạng chở quá tải, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của tổ liên ngành KSTT xe của các địa phương thì công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê số lượng phương tiện trên địa bàn, đồng thời, giao chính quyền xã, phường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, thôn xóm trực tiếp đến tận các doanh nghiệp vận tải, các hộ gia đình có phương tiện vận tải để tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm việc chở đúng tải trọng. Sau khi tổ chức tuyên truyền, ký cam kết nhưng vẫn vi phạm, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm như: thông báo cho các cơ quan chức năng để xử phạt nguội, không bình xét gia đình văn hóa đối với các hộ kinh doanh vận tải vi phạm, nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, ký cam kết đến các chủ mỏ, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và người lái xe về việc chấp hành pháp luật ATGT, chở đúng tải trọng quy định. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì các tổ liên ngành KSTT xe, kể cả tổ kiểm soát ngay tại các bến bãi, mỏ vật liệu, trong đó, chú trọng đến hoạt động cân tải trọng lưu động tại một số địa phương; chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện đôn đốc và tạo mọi điều kiện để tổ liên ngành cấp huyện hoạt động hiệu quả…
Việc xử lý triệt để tình trạng xe quá tải là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa.