Mô hình vịt trời 500 con của Trung đoàn 841 vừa giúp bộ đội cải thiện bữa ăn, vừa đưa lại nguồn thu cho đơn vị.
Tham quan mô hình tăng gia chăn nuôi (TGCN) tập trung của Trung đoàn 841 - Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi hiệu quả của mô hình này mang lại. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, các loại giàn, vườn rau, ao cá... được xây dựng khép kín, có sự liên hoàn giữa các hạng mục, tạo nên khu trang trại TGCN công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thượng tá Nguyễn Đình Lượng - Trung đoàn trưởng cho hay: “Trung đoàn đã chỉ đạo các đơn vị quy hoạch, cải tạo, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Đến nay, mô hình nuôi vịt trời hơn 500 con, gà thịt 800 con, ếch 900 con... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thực phẩm có giá trị, bảo đảm an toàn đưa vào bữa ăn của bộ đội...”.
Đầu tư nhà lưới bài bản nên cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên quanh năm đều có rau xanh.
Tại Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên, cùng với việc cải tạo, quy hoạch diện tích TGCN tập trung tại đơn vị, cơ quan hậu cần còn chỉ đạo phát triển các mô hình tại khu căn cứ hậu cần chiến đấu. Với đàn lợn siêu nạc mỗi năm xuất chuồng bình quân đạt 1.100 - 1.200 con, lợn rừng 25 con, đàn gà trên 50 con..., đơn vị thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm, tạo nguồn quỹ phục vụ đời sống của cán bộ, nhân viên.
Ở đơn vị Kho K19, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh, mặc dù điều kiện sản xuất không thuận lợi nhưng theo Thiếu tá Nguyễn Đình Giang - Chủ nhiệm kho thì: “Đơn vị đã cử cán bộ tiếp thu kỹ thuật theo mô hình công nghiệp và mạnh dạn đầu tư vốn, giống mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, ngoài việc tự túc 100% nhu cầu rau xanh, đơn vị còn thường xuyên duy trì đàn lợn siêu nạc 600 con, gia cầm và thủy cầm gần 1.000 con và hơn 1,5 ha mặt ao thả cá, tạo nguồn thực phẩm “sạch” tại chỗ”.
Khu chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp của đơn vị Kho K19, tạo nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm.
Được biết, chủ trương đẩy mạnh TGCN tập trung theo hướng “ba cơ bản” (vườn cơ bản, chuồng cơ bản, giàn cơ bản) đã được Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo triển khai ở tất cả các cơ quan, đơn vị và 13 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh. Để chủ trương này phát huy hiệu quả, cơ quan hậu cần đã chỉ đạo một số cơ quan, đơn vị có điều kiện thuận lợi làm điểm để rút kinh nghiệm.
Theo đó, các đơn vị như Ban CHQS huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Trung đoàn 841, Kho K19 được chọn triển khai TGCN tập trung tại đơn vị; Ban CHQS huyện Vũ Quang, Nghi Xuân, Hương Sơn, Trại T34 được chọn triển khai mô hình tại khu căn cứ. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã triển khai có hiệu quả mô hình TGCN tại đơn vị và ở các khu căn cứ hậu cần.
Các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh vườn, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
Từ các mô hình TGCN tập trung, các cơ quan, đơn vị đã tự bảo đảm được nguồn thực phẩm tại chỗ; trong đó, các đơn vị đã tự túc 100% nhu cầu thực phẩm; 110% nhu cầu rau xanh; đưa vào bữa ăn từ 3 - 5 nghìn đồng/người/ngày. Một số mô hình TGCN tiêu biểu của Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật, Trung đoàn 841, Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn... hàng năm cho thu lãi từ 150 - 300 triệu đồng, đưa vào quỹ hoạt động của đơn vị...
Thành công lớn nhất khi thực hiện chủ trương đẩy mạnh TGCN tập trung đó là, các cơ quan, đơn vị đã tham mưu và nhận được sự vào cuộc ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, địa phương đối với việc đẩy mạnh TGCN tập trung.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Dương nuôi dê trên đảo.
Thượng tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Mô hình TGCN tập trung của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh vừa tạo nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn, vừa tạo nguồn thu nhập cho đơn vị và tạo nguồn dự trữ, tăng cường tiềm lực hậu cần ở các khu căn cứ chiến đấu của tỉnh và các huyện, thị, thành cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất khi có tình huống xẩy ra”.