Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng

(Baohatinh.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị ngành Thanh tra cần tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng xử lý ngay vấn đề phát sinh từ cơ sở...

Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác thanh tra năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị được trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc điều hành.

Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc điều hành.

Năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tinh thần các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ, cuộc thanh tra giao đột xuất nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính, cơ quan thanh tra các cấp đã linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong năm, toàn ngành đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 69.096 tỷ đồng, 451 ha đất.

Toàn ngành cũng ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 6.425 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.

Toàn ngành cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,1%), 32.523 ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,6%).

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được tăng cường và đã thực hiện tiếp 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 300.297 vụ việc (tăng 5,4% so với năm 2022). Từ đó, kiến nghị thu hồi cho nhà nước 59,4 tỷ đồng và 0,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 190,8 tỷ đồng và 9,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 28 tổ chức, 1.096 cá nhân; kiến nghị xử lý 497 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 45 vụ, 35 đối tượng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đã tổ chức 68.283 lớp cho 4.775.385 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 775.750 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng...

Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng

Đại biểu theo dõi hội nghị.

Năm 2024, toàn ngành Thanh tra tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển KT-XH ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm; việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định...

Năm 2023, ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong thanh tra hành chính, toàn ngành đã thực hiện 113 cuộc, xử lý về kinh tế: thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 23,2 tỷ đồng, 300 m2 đất và xử lý khác về kinh tế gần 28 tỷ đồng, 300 m2 đất. Trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn ngành đã thực hiện 288 cuộc, xử lý về kinh tế tổng số tiền vi phạm hơn 4,2 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi: 498 triệu đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác gần 4 tỷ đồng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngành Thanh tra cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022. Trong đó, cần tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra; chú trọng công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành.

Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: Trọng Phú).

Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng giải quyết ngay vấn đề phát sinh từ cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong đó, tập trung vào thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, về kiểm soát tài sản, thu nhập; tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Trọng Phú).

Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, 2023 là năm đầu tiên ngành Thanh tra triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 nên khối lượng công việc tăng nhiều. Trong đó, việc thanh tra, phát hiện các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đặt ra là một trong những mục tiêu hàng đầu. Thời gian tới, toàn ngành cần tập trung thanh tra các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, đấu thầu, mua sắm tài sản công, mua bán trái phiếu, chứng khoán...; tiếp tục nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có vi phạm; đẩy mạnh công tác giám sát sau thanh tra, tăng tỉ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast