Tên lửa Harpoon – ‘sát thủ diệt hạm’ uy lực của Hải quân Mỹ

Tên lửa Harpoon, từng được ví là “sát thủ diệt hạm” thời Chiến tranh Lạnh, sắp tái xuất trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ sau 1/4 thế kỷ vắng bóng.

Tên lửa Harpoon – ‘sát thủ diệt hạm’ uy lực của Hải quân Mỹ

Tàu HMTS Taksin 422 của Thái Lan phóng tên lửa Harpoon Block 1C ngày 29/3. Ảnh: Royal Thai Navy

Tháng 3 vừa qua, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tiến hành một vụ bắn lịch sử khi sử dụng tên lửa Harpoon Block 1C hạ một mục tiêu ở khoảng cách 102 km. Được giới thiệu năm 1985, tên lửa Block 1C có sự khác biệt so với các phiên bản trước đó về công nghệ đường bay, dẫn đường và cách xác định mục tiêu.

Theo chuyên trang quân sự Navy Recognition, trong khi tên lửa Block 1B và 1A chỉ có thể bay theo quỹ đạo vòng lên hoặc bay sát mặt nước giai đoạn tiếp cận mục tiêu thì Block 1C có thể bay theo cả hai phương pháp trên. Sự thay đổi về nhiên liệu đã làm tăng tầm bắn của Block 1C. Ngoài ra, phiên bản này có thể bay ở độ cao lớn hơn trong giai đoạn đầu, giúp tránh đâm vào tàu đồng đội cũng như các vật thể khác nằm trong hành trình bay.

Nguồn gốc tên lửa Harpoon

Harpoon được biến đến là loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của trên 30 nước. Nó thường xuyên được nâng cấp trong những năm qua, và điều này đã dẫn đến sự phát triển của tên lửa tấn công đất đối không (SLAM) và tên lửa đất đối không tầm xa (SLAM-ER).

Do kỹ sư McDonnell Douglas chế tạo cho Hải quân Mỹ vào những năm 1970, tên lửa Harpoon đã được điều chỉnh để sử dụng trên máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress. Mỗi chiếc B-52H có thể mang từ 8 - 12 tên lửa Harpoon. Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1977 với vai trò là hệ thống tên lửa chống hạm trong mọi điều kiện thời tiết, Harpoon sử dụng quỹ đạo bay lướt trên mặt biển ở tầm thấp với sự dẫn đường của radar chủ động. Loại tên lửa này có khả năng thực hiện nhiệm vụ của tên lửa đối đất và chống hạm.

Tên lửa Harpoon – ‘sát thủ diệt hạm’ uy lực của Hải quân Mỹ

Tháng 7/2016, tàu chiến USS Coronado (LCS 4) lần đầu phóng tên lửa vượt chân trời Harpoon Block 1C. Ảnh: US Navy

Boeing – tập đoàn đang sản xuất Harpoon – cho biết để tấn công các mục tiêu trên đất liền cũng như các tàu trong cảng, Harpoon sử dụng điều hướng quán tính có hỗ trợ của GPS để tấn công một mục tiêu đã được xác định. Với đầu đạn nổ nặng 227 kg, hỏa lực của “sát thủ” Harpoon có thể nhắm đến nhiều mục tiêu trên đất liền, trong đó có các vị trí phòng thủ ven biển, cơ sở tên lửa đất đối không, máy bay đang đậu trên mặt đất và thậm chí cả cá cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trong các nhiệm vụ chống hạm thông thường, bao gồm cả nhiệm vụ ngoài khơi hoặc gần đất liền, GPS/INS (hệ thống định vị quán tính) có vai trò dẫn đường cho Harpoon trong thời gian bay đến mục tiêu. Các giải pháp điều hướng chính xác hơn cho phép người sử dụng phân biệt giữa tàu mục tiêu với các hòn đảo và các tàu không phải là mục tiêu khác.

Khả năng tấn công đa dạng

Tên lửa Harpoon có thể được phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, các khẩu đội phòng không ven biển cũng như từ các máy bay hải quân như F/A-18A-F, máy bay chống ngầm Lockheed P-3C Orion và máy bay do thám. Việc phóng Harpoon từ tàu chiến, tàu ngầm và hệ thống phòng không ven bờ phải cần đến bộ phận đẩy phụ, trong khi việc phóng tên lửa này từ trên không sẽ không cần bộ phận hỗ trợ đẩy và động cơ sẽ được kích hoạt ngay sau khi tách khỏi máy bay.

Năm 1998, một bản nâng cấp tiên tiến cho tên lửa Harpoon đã được phát triển. Tên lửa Harpoon Block II này được tích hợp tính năng dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi GPS, cho phép tên lửa có khả năng chống hạm và tấn công đất liền. Tuy nhiên, phiên bản Block II không được Hải quân Mỹ sử dụng nhưng lại được tích hợp trên các máy bay F-16 của nước ngoài và hiện đang được tích hợp trên các máy bay F-15 của nước ngoài.

Loại tên lửa phóng từ trên không sử dụng một bộ tăng áp phản lực Teledyne và có chiều dài tổng thể 3,8 m. Trong khi loại phóng từ mặt đất và tàu ngần sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 4,6 m. Các loại tên lửa này đều có sải cánh dài gần 1m, kèm theo cánh phụ.

Sự trở lại của ‘sát thủ’

Vào tháng 2 vừa qua, hãng Boeing thông báo sẽ làm việc để đưa Harpoon trở lại biên chế lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ sau hơn 20 năm vắng bóng.

Cuối tháng trước, Boeing đã nhận được hợp đồng trị giá 10,9 triệu USD từ Bộ Chỉ huy các hệ thống trên Biển của Hải quân Mỹ để tân trang 16 đầu đạn tên lửa Harpoon và 4 khoang chứa tên lửa Harpoon Block 1C dùng cho tàu ngầm. Hợp đồng trên dự kiến được hoàn thành vào tháng 12/2022. Tên lửa UGM-84A Harpoon Block 1C sẽ được tích hợp trên các tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ.

Theo Boeing, hiện có hơn 600 tàu, 180 tàu ngầm, 12 loại máy bay khác nhau cùng một số phương tiện phóng trên đất liền trên khắp thế giới được tích hợp tên lửa Harpoon. Loại vũ khí đóng vai trò nền tảng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn đang sẵn sàng cho những thách thức mới trong một thế giới luôn biến đổi.

Theo Đức Trí/Báo Tin tức

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.